Thảo luận Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi)

      Ngày 17-6, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII sang ngày làm việc thứ 23. Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi).

 Khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu

Ðầu giờ sáng, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 14 chương, 210 điều (tăng bốn điều so với Dự thảo lấy ý kiến đóng góp của nhân dân). Về chế độ sở hữu đối với đất đai, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung một điều vào Chương I của dự thảo luật, cụ thể: Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này. Về quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai (Chương II), Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung các quy định trách nhiệm của Nhà nước về bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và cung cấp thông tin về đất đai. Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. Quy định về thu hồi đất, Ủy ban Thường vụ QH nhận định, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ QH khẳng định, các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện. Về nguyên tắc định giá đất, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất cho rằng, giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng. Ðối với thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm.

Cân nhắc giữa thu hồi đất và trưng mua đất

Trong phần thảo luận, đa số ý kiến phát biểu tán thành việc sửa đổi Luật Ðất đai nhằm phù hợp yêu cầu thực tế và khắc phục những bất cập trong luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh các quy định về thu hồi đất. Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, đất đai là một loại tài sản đặc biệt, được Nhà nước giao cho người dân sử dụng. Khi thu hồi đất phục vụ các dự án, Nhà nước cần tiến hành trưng mua trên cơ sở khung giá quy định có tính đến yếu tố thị trường. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan thẩm định giá độc lập, tránh tình trạng Nhà nước vừa ban hành khung giá, tiến hành thu hồi đất và bồi thường cho người dân theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như thời gian qua. Cũng theo các đại biểu này, những bất cập trong việc thu hồi đất thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ khiếu kiện kéo dài, vì không có cơ quan đứng ra làm “trọng tài” về giá đất khi bồi thường. Cùng có quan điểm nêu trên, một số đại biểu đề nghị, khi tiến hành thu hồi đất, nhà đầu tư phải đứng ra thỏa thuận về giá với người có đất theo cơ chế thị trường và cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thật sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tránh lợi dụng để thu hồi đất. Tuy nhiên, theo các đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu), nếu nhà đầu tư đứng ra thỏa thuận giá với người có đất bị thu hồi thì sẽ rất khó khăn và không phù hợp với nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Một số đại biểu lại cho rằng, việc thực hiện chính sách về đất thiếu thống nhất, thiếu minh bạch là nguyên nhân gây bức xúc cho người có đất bị thu hồi. Thực tế, nhiều người sau khi bị thu hồi đất đã mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống, cho nên nảy sinh khiếu kiện. Do vậy, cùng với chính sách đền bù bằng tiền, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến công tác tạo việc làm mới để người dân ổn định đời sống. Ðề cập các chính sách giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, các đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định thủ tục hòa giải, tranh chấp đất đai theo hướng khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc yêu cầu UBND cấp xã tiến hành hòa giải, nhưng không nên quy định đây là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, đối với những tranh chấp mà người tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp, thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Nâng cao tính khả thi trong quy hoạch sử dụng đất

Về công tác quy hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến tán thành với quy định, kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kế hoạch sử dụng đất là 5 năm. Ðiều này thể hiện tầm nhìn và định hướng cho tương lai và phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, các quy hoạch, kế hoạch có liên quan và khả năng dự báo nhu cầu sử dụng đất trong kỳ. Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, một trong những điểm mới của dự thảo là quy định đối với quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã có quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất, nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Quy định này sẽ hạn chế sự chồng chéo, lãng phí không cần thiết. Ðại biểu này đề nghị, cần hướng dẫn cụ thể về nội dung phương pháp lồng ghép quy hoạch sử dụng đất cấp xã trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Một số ý kiến tán thành quy định, quy hoạch sử dụng đất được thực hiện tại cấp tỉnh, cấp huyện và bỏ quy hoạch cấp xã, nhằm bảo đảm tính thống nhất. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên bỏ quy hoạch cấp xã, vì quy hoạch cấp tỉnh và huyện luôn mang tính khái quát, khó sát với thực tế của từng khu vực cụ thể, dễ dẫn đến quy hoạch treo. Theo đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), không nên bỏ quy hoạch cấp xã, nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới với những tiêu chí cụ thể, gắn đến thôn, bản. Việc tiếp tục thực hiện quy hoạch cấp xã nhằm góp phần nâng cao tính khả thi của quy hoạch và tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sử dụng đất phù hợp, hiệu quả.

Cùng với những nội dung nói trên, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo luật quy định tăng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm, nhằm tạo điều kiện để người có đất yên tâm đầu tư lâu dài và sử dụng có hiệu quả diện tích đất được giao. Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho người dân, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên nhằm bảo đảm đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như người dân khi thực hiện tái định cư phục vụ các công trình vì lợi ích quốc gia.