Đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho người dân mất đất

Đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và người dân cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu bức thiết từ thực tế, nhằm khắc phục những điều bất cập trong quản lý về quy hoạch, thủ tục hành chính, thu hồi, giá đất, khiếu nại tố cáo… Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi hướng đến việc đền bù đất đai phải đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho người dân mất đất.

Khắc phục những bất cập, khiếm khuyết nảy sinh

 

 Luật sự Lê Đức Tiết: Nhân dân đi theo Đảng là vì Đảng làm cho người cày có ruộng – Ảnh: TH 

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhân dân đi theo Đảng là vì Đảng làm cho người cày có ruộng. Đối với nông dân, không gì thiết thực hơn là có đất để sinh nhai. Cơm ăn, áo mặc, làm nhà, mua sắm vật dụng, tiền học cho con… tất cả đều trông mong vào hoa lợi từ đất đai. Những thắng lợi to lớn và liên tiếp trong lãnh đạo của Đảng trong 83 năm qua là do có chính sách đúng về đất đai và gắn liền với chính sách đại đoàn kết dân tộc. Nhưng mặt khác không thể tránh khỏi những vấp váp trong thực thi chính sách về đất đai.

Một trong những vấp váp được Luật sư Tiết nêu lên đó là việc ban hành các đạo luật và các văn bản dưới luật để thi hành điều Hiến định về công hữu đất đai mang nặng tính chắp vá, thiếu thống nhất, chậm trễ, chồng chéo, mâu thuẫn, khó hiểu và khó tra cứu, không khả thi. Do đó, theo Luật sư Tiết “Việc sửa đổi đất đai hiện hành là rất cần thiết. Luật đất đai mới phải ghi nhận được những thành tựu của cả quá trình thực thi chính sách đất đai của Đảng trong 83 năm qua, đồng thời phải khắc phục cho được những tồn tại đã nảy sinh và đang tồn tại”.

Phân tích ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng: “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay vẫn chưa được làm tốt. Hiện nay doanh nghiệp vừa phải mua đất của dân theo giá thị trường, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước một lần nữa, gần như phải mua đất 2 lần. Đây chính là nguyên nhân làm cho mặt bằng giá bất động sản cao hơn các nước trong khu vực”.

GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét, Dự thảo Luật Đất đai còn nặng về quyền của người đại diện – đó là Nhà nước. Nhà nước chỉ là quản lý thôi. “Tôi tán thành quan điểm đất đai là thuộc sở hữu toàn dân”.

Giáo sư Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt vấn đề, Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiệm vụ khắc phục những bất cập, khiếm khuyết đã nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2003. Trong đó tập trung khắc phục những thiếu sót của bộ máy hành pháp trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. Trong trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội, chủ đầu tư phải tiến hành thỏa thuận với người đang sử dụng đất để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo các hợp đồng dân sự.

Đặc biệt, theo GS Lang, sửa Luật Đất đai sửa đổi phải khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng đất một cách lãng phí, không có hiệu quả dẫn đến ô nhiễm môi trường. Cần bảo vệ và bảo đảm quyền làm chủ của người được giao quyền sử dụng đất. Đồng thời cũng làm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của người được giao quyền sử dụng đất trong quá trình quản lý, khai thác đất được giao.

Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất

Liên quan đến vấn đề đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất được nêu trong Điều 25, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo cho rằng “cần làm rõ trách nhiệm và sự đảm bảo của Nhà nước đối với người dân bị thu hồi đất sản xuất sẽ được đào tạo nghề, có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Đây là việc người dân rất mong muốn. Việc bổ sung này sẽ đầy đủ hơn, sẽ khẳng định rằng người bị thu hồi đất sản xuất cũng được đào tạo hỗ trợ nghề. Mặt khác sau khi được đào tạo nghề và tìm việc làm phù hợp để đảm bảo cuộc sống”.

Theo nhận định của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội, trong thực tế, hằng chục năm qua ở Hà Nội, 80 – 90% người dân bị thu hồi đất không được giải quyết việc làm hoặc chỉ được tạm bố trí lúc đầu và sau một thời gian các doanh nghiệp đã sa thải họ. Vì thế, việc bổ sung nội dung đảm bảo việc làm cho người dân, Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện theo quy định của Luật, không thể tùy tiện như thời gian vừa qua.

Là người từng có mặt trong chuyến khảo sát tại các địa phương về việc thực hiện “Xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đặt ra với vùng ven đô”, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, tại các địa phương xây dựng nông thôn mới, những vấn đề nổi cộm đặt ra không phải là nông thôn mới mà lại chính là đất đai. Các nơi mà đoàn tiến hành khảo sát đều có chung một yêu cầu là cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước – đại diện chủ sở hữu về đất đai với người sử dụng đất.

Theo ông Nguyễn Túc, nhân dân muốn Luật Đất đai sửa đổi hướng đến việc đền bù đất đai phải đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người dân mất đất, trong đó có trách nhiệm đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Phải kéo dài thời gian giao đất, tạo điều kiện để quá trình tích tụ ruộng đất thực hiện những cánh đồng mẫu lớn, làm ăn theo công nghiệp. Đồng thời thực hiện công khai, dân chủ trong việc thu hồi, chuyển nhượng, cấp đất để tránh những tiêu cực.

 

 Ông Phạm Ngọc Thảo: Cần làm rõ trách nhiệm và sự đảm bảo của Nhà nước đối với người dân bị thu hồi đất sản xuất sẽ được đào tạo nghề, có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Ảnh: TH

Ông Nguyễn Túc phân tích, càng đi sâu vào từng địa phương thì cán bộ và nhân dân lại có những kiến nghị khác nhau. Như ở Ninh Hiệp, đây vốn là một làng cổ, trước thuộc phủ Từ Sơn – Bắc Ninh nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Toàn xã có 488 ha, mật độ dân số 30.000 người/ha. Tuy là xã nông nghiệp nhưng thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm có 5%. “Đã là địa phương “đất chật, người đông” mà lãnh đạo lại dành 63 ha tức 1/8 tổng diện tích để làm khu công nghiệp nên không còn đất để giải quyết các yêu cầu khác về văn hóa – xã hội (như các câu lạc bộ, nghĩa trang…). Vì vậy, tôi đề nghị, Luật Đất đai sửa đổi phải tính đến những trường hợp đất chật, người đông này”, ông Túc nhấn mạnh.

Cũng từng theo đoàn khảo sát đến xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Túc cho biết, “từ ngày xã tiến hành xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển nhanh theo hướng hiện đại, đời sống vật chất của người dân được cải thiện rõ rệt. Song vấn đề lớn đặt ra đối với Nhị Khê là tình trạng mất đất nhiều với tốc độ ngày càng nhanh, mạnh đã khiến tình hình trật tự trị an của xã không còn tốt như xưa, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hay như ở thành phố Đà Nẵng và  tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xảy ra tình trạng thất nghiệp rất cao ở những vùng ven đô do đất đai”. Từ các chuyến khảo sát, ông Nguyễn Túc khẳng khái “Quy hoạch sử dụng đất đai cần xét một cách toàn diện, tránh chỉ vì mục đích kinh tế. Ngay trong thời gian giải phóng mặt bằng chủ đầu tư đã phải có trách nhiệm đào tạo nghề cho gia đình những hộ dân vừa mất đất, trong đó chú trọng đến đối tượng là thanh niên trong độ tuổi lao động”.

Đưa ra vấn đề người dân quan tâm nhất, Tiến sĩ Lê Văn Bành, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đề xuất để đảm bảo quyền lợi cho người dân cần bổ sung, làm rõ mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân. Vì nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp, lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau…/.