“Làm thế nào để giúp hội viên có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao?”

“Làm thế nào để giúp hội viên có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao?”. Câu hỏi không khó nhưng để trả lời cụ thể bằng kết quả thì khó vô cùng.

Nhà báo Dương Phước Thu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế

Vì chỉ khi mọi công việc có kết quả đạt được bằng chất lượng và chất lượng cao thì người ta mới tin, mới thuyết phục được bạn đọc và lãnh đạo địa phương. Vì chính những giá trị thực ấy- các tác phẩm báo chí sẽ tự nó chỉ ra rõ khả năng nghề nghiệp, tôn vinh sức sáng tạo của mỗi nhà báo và hoạt động của các cấp Hội Nhà báo địa phương”- Nhà báo Dương Phước Thu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế- bày tỏ. Ông cho rằng:

Để giúp hội viên nhà báo có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao thì ngoài rất nhiều nhân tố quan trọng khác, người làm công tác Hội Nhà báo cũng phải là một nhà báo đích thực, nhà báo có tác phẩm hẳn hoi. Trong vai trò của mình, Hội Nhà báo tỉnh cần phải tích cực động viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng và các hoạt động hợp pháp của hội viên trong mọi trường hợp do điều lệ và Luật Báo chí quy định. Mỗi nhà báo cần phải bám sát hơi thở cuộc sống, lăn lộn vào thực tiễn, đi sát cơ sở. Nhà báo dám dấn thân vào chỗ khó mới có đề tài hay. Bởi vì cuộc sống vốn sinh động, cái hôm nay phù hợp, được xem như đỉnh cao, ngày mai chưa chắc thế. Quá khứ rồi sẽ trở thành bài học mới. Nhưng dù nói gì, một khi hàm lượng thông tin của tác phẩm báo chí chứa đựng nhiều dấu ấn văn hóa, giàu tính nhân văn thì nó sẽ mãi có ích cho cuộc sống. Bài báo ngắn hay dài, dù thể hiện dưới hình thức gì và đăng bất cứ ở đâu nhưng chạm đến được tâm can, lay động lòng người, tự nhiên nó có ích cho xã hội thì chính nó đã đem lại chất lượng cho cuộc sống. Cho nên, dù là tác phẩm báo chí cũng rất cần đến “phông văn hóa” làm nền, ngôn ngữ thể hiện cũng phải có giá trị văn hóa. Muốn vậy, ngoài khả năng chuyên môn, phương tiện máy móc, đạo đức nghề nghiệp nhà báo của mỗi hội viên cần phải được phát huy mọi lúc mọi nơi trong tất cả các khâu: lấy tin, cân nhắc, xử lý thông tin trước khi bài báo lên khuôn đến với bạn đọc…

Một điều nữa là lâu nay người ta thường nói nhiều về năng lực chuyên môn của nhà báo, mà quên đi bàn tay tài hoa của “bà đỡ” là những người biên tập. Người biên tập giỏi sẽ gọt giũa cho tác phẩm ấy hay lên, hoặc người biên tập chỉ ra cho nhà báo thấy được cái yếu của mình mà tự sửa lấy. Khi tác phẩm báo chí trình làng (kể cả lúc được giải) rõ ràng có công “nâng đỡ” của nhiều người nhưng tên tuổi thì chỉ mỗi mình nhà báo mà thôi!

Tháng 9/2013, Hội Nhà báo Thừa Thiên- Huế đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về làm thế nào để có tác phẩm báo chí chất lượng cao. Khá nhiều hội viên tham gia ý kiến toạ đàm, mỗi ý kiến đem lại một góc nhìn riêng nhưng đều tâm huyết và mang tính xây dựng. Chúng tôi đánh giá cao những ý kiến đó. Và mừng hơn, những buổi sinh hoạt chuyên đề do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức vẫn có rất nhiều hội viên nhà báo yêu nghề tham gia, họ trăn trở, họ viết tham luận, phát biểu trực tiếp, chia sẻ những khó khăn trở ngại, những kinh nghiệm của mình trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở. Qua những buổi sinh hoạt chuyên đề như vậy, Hội Nhà báo Thừa Thiên- Huế nhận thấy, với trách nhiệm của mình, trong công tác xây dựng phát triển Hội, vì quyền lợi của hội viên, Hội Nhà báo tỉnh cùng với các Chi hội nhà báo cơ sở cần làm hết sức mình trong điều kiện có thể của Điều lệ Hội, Nghị quyết của nhiệm kỳ và các văn bản hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam; bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy địa phương. Đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí vì lợi ích trực tiếp của từng tờ báo hãy tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hội viên tham gia sinh hoạt hội đều đặn.

Tất cả những sự tác động ở trên đều có ích nhưng vẫn chưa phải là nhân tố quyết định. Điều quan trọng và yếu tố thành công hơn là bản lĩnh, phẩm chất chính trị, sự nhạy cảm và tự thân mỗi nhà báo, hay nói cách khác là khả năng nội lực của mỗi nhà báo mới quyết định làm nên tác phẩm báo chí chất lượng cao.

DPT
Nguồn tin: congluan.vn