Kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Ngày 2-4, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập (1962-2017). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu ý kiến.

1

Theo Ban tổ chức, trong 55 năm qua, từ một trường bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản của Đảng, đến nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trở thành một trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia, đồng thời là trung tâm khoa học lớn có uy tín, đang từng bước hội nhập khu vực và thế giới.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện có 34 đơn vị, trong đó có 19 khoa và viện nghiên cứu; 15 phòng, ban chức năng, hơn 400 cán bộ, giảng viên và người lao động. Đội ngũ giảng viên của học viện hơn 50% có trình độ GS, PGS, TS, giảng viên, chuyên viên cao cấp.
Trong những năm qua, học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước gần 70 nghìn cán bộ lý luận chính trị, tư tưởng-văn hóa, công tác Đảng, báo chí – truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được trong suốt 55 năm qua. Bên cạnh việc ghi nhận các kết quả đạt được, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn trong thời gian tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt, hợp tác quốc tế sâu rộng, vững vàng đi lên trên tất cả các lĩnh vực.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, học viện cần tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về số lượng, chất lượng, nhất là cán bộ, giảng viên trẻ, có lập trường chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, khả năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, có kiến thức thực tiễn và phẩm chất đạo đức tốt. Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá sinh viên theo chuẩn đầu ra, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học.
Bên cạnh đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, bảo đảm chất lượng giảng dạy và đào tạo; không ngừng hiện đại hóa cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng dạy, học tập; xây dựng môi trường văn hóa trường Đảng; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của học viện.

Báo Nhân Dân