Khắc phục những bất cập để đảm bảo quyền sử dụng đất của người dân

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn trước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ý kiến mong muốn làm rõ, thống nhất một số vấn đề nhằm giải quyết được những vướng mắc, bất cập để bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch.

 

 Đất đai ở nước ta là thành quả dựng nước và giữ nước lâu đời của cả dân tộc - Ảnh: TH


Sở hữu đất đai toàn dân là phù hợp với thể chế chính trị

Quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” được nêu trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học, chuyên gia. Theo các đại biểu, đất đai ở nước ta là thành quả dựng nước và giữ nước lâu đời của cả dân tộc. Những thành quả do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong những năm qua đem lại là không thể phủ nhận. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm khẳng định, quy định đất đai là sở hữu toàn dân là cần thiết vì đất đai gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đất đai là xương máu của nhiều thế hệ, cho nên không được lơ là quan điểm “đất đai là sở hữu của toàn dân”.

Đồng tình với ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thi Liên nêu rõ quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là hết sức cần thiết. Bởi theo giải thích của bà: Đất đai của Việt Nam cũng khác với lịch sử lãnh thổ và đất đai của nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, qua bao nhiêu đời đấu tranh dựng nước, giữ nước mới có được như ngày hôm nay. Ở đâu trên khắp đất nước cũng có biết bao hy sinh, xương máu của cha ông đã đổ xuống. Vì thế, không thể nói là thấy đất hoang, ra khai khẩn và chính quyền cấp quyền sử dụng thì là đất của cá nhân, nên nhất thiết đất đai phải là sở hữu toàn dân… Mọi người dân đều có quyền sở hữu nhưng sẽ có người đại diện và người đại diện chính là cơ quan Quốc hội, còn cơ quan hành pháp là các cơ quan quản lý về đất đai.

Cùng quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo lập luận, điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn địa tô, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai bóc lột người sử dụng đất. Hơn nữa, quy định này cũng là cách ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta. Dù đất đai là tự nhiên, vốn đất đai quý báu ngày nay có được là do công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) Dương Ngọc Sơn lưu ý vì đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng của đất nước nên Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, đồng thời quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
 
Ông Dương Ngọc Sơn cho rằng, đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta không nên công nhận tư nhân hóa đất đai hoặc so sánh với các nước khác. Bởi chúng ta phải theo đặc điểm, yêu cầu của thể chế chính trị đất nước ta để mà quy định. Việc tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân hoàn toàn nhất quán với các quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng. Không phải vì chúng ta không tư nhân hóa đất đai mà dẫn đến khiếu kiện, tiêu cực, tham nhũng.

Tương tự, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không có hình thức sở hữu nào ưu điểm tuyệt đối hoặc nhược điểm tuyệt đối. Ngay ở các nước chọn hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì vẫn có vai trò của Nhà nước quản lý, điều tiết (hạn chế quyền sở hữu của tư nhân). Đối với Việt Nam, chọn chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng quyền sử dụng đất của người dân vẫn có tương đồng lớn so với sở hữu tư nhân. Cụ thể, hiện nay, người sử dụng đất ở nước ta có khoảng 13 quyền như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, được bồi thường, được lựa chọn hình thức sử dụng đất…

Cần khắc phục những vấn đề bất cập

Cùng sự đồng tình với Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề nghị phải làm rõ những vấn đề bất cập nhằm bảo đảm quyền sử dụng đất của người dân cũng như tránh việc lạm dụng quyền thu hồi đất của các cơ quan nhà nước gây bức xúc trong dân.

Hiện nhiều người chưa yên tâm với quyết định thu hồi đất và đền bù đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân quan tâm nhất đến giá đất. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận trên 1.570.000 lượt người đến khiếu nại, tố cáo với trên 830.000 vụ việc. Nội dung khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm trên 70%, trong đó tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội.

Theo kết quả tham vấn cộng đồng của Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, giá đất do Nhà nước quyết định thiếu thống nhất và không hợp lý, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho người bị thu hồi đất. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc duy trì cơ chế một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có thẩm quyền quyết định giá đất là bất hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng việc định giá phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân. Cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần phải độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời cần tách bạch rõ thẩm quyền thu hồi đất với thẩm quyền quyết định về giá đất. Theo ông Tuyến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ 3 cơ chế. Cơ chế thứ nhất là Nhà nước “trưng dụng” quyền sử dụng đất áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích cộng đồng, không gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư. Cơ chế thứ hai, đối với các dự án vì lợi ích cộng đồng có gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư, thì Nhà nước áp dụng cơ chế “trưng mua” quyền sử dụng đất. Còn cơ chế thứ ba, đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư, thì thực hiện theo cơ chế “thỏa thuận” trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, ông Phạm Gia Hải, Hội đồng tư vấn Kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần làm rõ vấn đề đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đại diện chủ sở hữu phải là cơ quan lập pháp, thống nhất quản lý cơ quan hành pháp. Đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cùng với đó, thông qua quy hoạch đất đai toàn quốc, trong đó có theo từng lĩnh vực và vùng lãnh thổ. Địa phương chỉ làm kế hoạch thì mới đảm bảo tính thống nhất trong sử dụng đất đai.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định được giá đất đúng theo cơ chế thị trường. Việc định giá đất trên cơ sở nào là một vấn đề lớn cần nghiên cứu kỹ trong lần sửa đổi này. Việc định giá đất cần giao cho một cơ quan độc lập, chuyên nghiệp, bảo đảm công bằng, thỏa đáng. Đồng thời cần quy định rõ các hình thức giám sát của dân đối với các hình thức sử dụng đất đai. Người dân có thể trực tiếp góp ý với các cơ quan chức năng hoặc gián tiếp thông qua hội nghị cử tri. Cần có cơ chế, chính sách để MTTQ tham gia giám sát, coi đây là quyền, trách nhiệm của mình. Cùng với đó là cần quy định rõ người dân có quyền biết các kế hoạch sử dụng đất đai của các cơ quan hành chính cũng như giá đất, việc sử dụng đất…

Ngoài ra, cũng có nhiều chuyên gia nhận định, Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ mới chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới, mà chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những thay đổi về cuộc sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này. Trước khi thu hồi đất, phải lập phương án tái định cư rõ ràng, để tránh những vướng mắc trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng./.