Đội Arsenal sang Việt Nam với giá ước tính hơn 3 triệu USD – Rằng hay thì cũng có hay

Dù một CLB danh tiếng khác là AS Roma đã khẳng định chính thức sang Việt Nam vào tháng 6 nhưng đã bị sự kiện Arsenal đến Việt Nam che mờ hoàn toàn. Điều này cho thấy sức hút đặc biệt của sự kiện này bất chấp đến nay mọi thứ vẫn chưa hoàn toàn chính thức. Trong khi đó, số tiền phía Việt Nam phải bỏ ra dự kiến lên đến hơn 3 triệu USD lại khiến chúng ta phải suy nghĩ.

  • Chung quy cũng vì tiền?

Sẽ quá ngây thơ nếu chúng ta tin rằng Arsenal sang Việt Nam du đấu chuẩn bị mùa bóng mới. Việt Nam chỉ là chặng dừng cuối trong chuyến du đấu thương mại định kỳ tại khu vực Đông Nam Á của Arsenal (sau Malaysia và Indonesia). Nói chính xác, đây chỉ là một thương vụ kinh doanh thuần túy mà sự xuất hiện của 2 vị giám đốc thương mại và marketing của CLB này đã nói lên tất cả. Đây cũng là lý do hợp đồng đã bàn thảo xong nhưng vẫn phải đợi cái gật đầu của HLV Asene Wenger. Ngoài ra, phía Việt Nam mà cụ thể là VFF cũng chưa xác định đội nào sẽ làm quân xanh cho Arsenal. Nếu là chuyên môn, quy trình sẽ ngược lại hoàn toàn.

Ngoài mối quan hệ với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai, Arsenal chủ yếu sang Việt Nam vì được trả nhiều tiền? Ảnh: CTV

Tất nhiên, để Arsenal sang Việt Nam còn có mối quan hệ giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và đội bóng chủ sân Emirates cũng như lực lượng CĐV đông đảo của các “pháo thủ thành London” tại Việt Nam nhưng cần phải khẳng định: Không có tiền “ra sân”, rất nhiều tiền, sẽ không có chuyến viếng thăm này. Do hợp đồng 2 bên chưa được ký kết nên chi phí phải trả không được tiết lộ nhưng thông tin hành lang cho biết, số tiền phải trả gấp gần 2 lần so với điểm đến quen thuộc của Arsenal là Malaysia, hơn 3 triệu USD.

  • Nhập nhằng hậu trường

Phí trả cho AS Roma trong sự kiện vào tháng 6 là 1 triệu USD, như vậy, cộng với Arsenal nữa là chỉ trong vòng 1 tháng, gần 100 tỷ đồng bỏ ra để người hâm mộ Việt Nam gặp gỡ các thần tượng bằng xương, bằng thịt. Xét riêng về thể thao, rõ ràng người yêu bóng đá Việt Nam đã được lợi rất lớn từ thương vụ này và tất nhiên cũng đem lại những lợi ích lớn khác cho các thương hiệu tài trợ. Nhưng xung quanh thương vụ này cũng có người đặt vấn đề: Liệu đây có phải là lúc thích hợp để chúng ta bỏ chừng ấy tiền cho một chuyến du lịch của các cầu thủ nước ngoài hay không?

Theo tiết lộ của bầu Đức, một trong những tác nhân thúc đẩy thành công của thương vụ, lẽ ra Arsenal đã sang từ 2-3 năm trước. Theo cách nói ấy, rõ ràng nếu không có Ngân hàng Eximbank chống lưng, chưa chắc Arsenal đã sang Việt Nam mùa hè năm nay. Cũng không khó lý giải về sự hào phóng của Eximbank nhất là sau khi chính ngân hàng này đã chi gần 50 tỷ đồng để “ôm trọn” 3 giải đấu hàng đầu Việt Nam (V-League, hạng nhất, cúp quốc gia).

Tuy nhiên, cũng vì thế, không ít chuyên gia tiếp thị tại Việt Nam lại thắc mắc về mục đích của Eximbank khi chỉ riêng trong năm 2013, họ đã chi gần 100 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp khó và đặc biệt bóng đá Việt Nam không còn sức hút như trước nếu không nói là một kênh quảng bá quá nhiều rủi ro về mặt hình ảnh, hiệu quả thương mại. Đấy là chưa nói, chính những nhà điều hành bóng đá đang khuyến cáo các CLB hạn chế đầu tư tràn làn trong bóng đá, tránh lặp lại ảo tưởng về sự phát triển của bóng đá Việt Nam như vài ba năm trước để trả bóng đá về đúng thực chất.

Chính vì thế, sự việc Eximbank tham gia thương vụ đưa Arsenal sang Việt Nam được cho là xuất phát từ một nguyên nhân không kém quan trọng có liên quan đến cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch VFF tại đại hội nhiệm kỳ 7 vào tháng 6 tới. Hiện nay, Phó Chủ tịch VFF đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank Lê Hùng Dũng là một ứng viên nặng ký.