Điền kinh Việt Nam hướng tới Asian Games 2014

Tại các kỳ thế vận hội, điền kinh luôn là một trong những môn quan trọng mang về những tâm huy chương quý giá. Những năm gần đây, Điền kinh Việt Nam càng được chú trọng đầu tư hơn để hướng tới những đấu trường lớn như Asian Games hay Olympic.

Những năm trước đây, tại đấu trường châu lục, Điền kinh Việt Nam chưa từng có tấm huy chương nào, nhưng ở Asian Games 2010 tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) thì Điền kinh Việt Nam do có sự chuẩn bị chu đáo cho lực lượng tham dự, cùng với sự giúp sức của các chuyên gia Điền kinh nước ngoài và các huấn luyện viên giỏi của Việt Nam như Nguyễn Đình Minh, Hồ Thị Từ Tâm nên đã tạo được một mốc son với 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, do công của Vũ Thị Hương (Huy chương Đồng 100m, Huy chương Bạc 200m); Trương Thanh Hằng (Huy chương Bạc 800m, Huy chương Đồng 1500m); Vũ Văn Huyện (Huy chương Đồng 10 môn phối hợp).

Hình ảnh Vũ Thị Hương tỏa sáng đường chạy 100m và 200m nữ cũng là sự trỗi dậy để
chiếm ngôi á quân của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27 (Ảnh: Đức Thọ/VnMedia)


Còn tại các kỳ SEA Games gần đây, đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong Top 3, có nghĩa là ở khu vực Đông Nam Á, năng lực của thể thao Việt Nam đã được khẳng định. Tuy nhiên, dù thành công lớn ở giải đấu khu vực, nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc tại đấu trường thể thao châu lục.

Chính vì lý do đó mà nhiệm vụ khẳng định chỗ đứng tại sân chơi châu lục Asian Games của thể thao Việt Nam càng trở thành nhu cầu bức thiết. Để chuẩn bị tốt cho kỳ Đại hội sắp tới diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc), ngành Thể dục thể thao đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lựa chọn ra 127 vận động viên xuất sắc của các môn thể thao để đầu tư trọng điểm.

Ở môn Điền kinh, các vận động viên có triển vọng, đặc biệt là những vận động viên có thành tích tốt tại SEA Games 27 vừa diễn ra Myanmar vừa qua đã được ưu tiên tập luyện. Mặc dù bước sang tuổi 28, nhưng vận động viên Vũ Thị Hương vẫn quyết tâm thi đấu giành huy chương cho dù sự cạnh tranh tại đầu trường châu lục ngày càng khốc liệt. Cô tâm sự: “Ngay sau SEA Games 27 vừa qua, chúng tôi bắt tay ngay tập luyện để chuẩn bị cho Asian Games vào tháng 9/2014. So với cuộc đấu 4 năm trước, lần này tôi sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mới và khá xuất sắc. Tuy vậy, tôi vẫn phấn đấu hết mình hướng tới mục tiêu giành huy chương ở sân chơi châu lục này”.

Mục tiêu của Hương hoàn toàn có cơ sở, bởi thành tích chạy 200 m của Vũ Thị Hương ở SEA Games 27 là 23 giây 55, đã vượt kỷ lục của Viktoriya Zyabkina (Kazakhstan) khi vận động viên này giành Huy chương Vàng vô địch châu Á 2013. Thông số mới của Hương cũng vượt thành tích Huy chương Vàng Asian Games 2010 của Chisato Fukushima (Nhật Bản). Như vậy, nếu giữ được phong độ như hiện nay thì cơ hội giành huy chương ở sân chơi châu lục của Hương là có thể, thậm chí nếu cải thiện thành tích ở nội dung 200 m thì cô có thể ganh đua giành Huy chương Vàng.

Nhận định về cạnh tranh huy chương, huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh cho biết: Ở tầm châu lục luôn xuất hiện những gương mặt xuất sắc hàng năm nên chỉ số quá khứ chỉ có giá trị tham khảo. So với thời Asian Games 2010, đối thủ cạnh tranh với Hương là Guzel Khubbieva (Uzbekistan) đã nghỉ thi đấu vì tuổi tác, đồng thời nhà vô địch 2 nội dung tốc độ là Fukushima không còn duy trì được phong độ cao. Bù vào đó là hàng loạt gương mặt mới như Wei Yongli với thành tích rất cao 11 giây 29 ở nội dung 100 m, hay Zyabkina (Kazakhstan), Asha Roy, Dutee Chand (Ấn Độ) ở nội dung 200 m.

Từ những nhận định trên, huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh đã xây dựng một kế hoạch kỹ càng với nhiều giải đấu cọ xát để “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương có sự chuẩn bị tốt nhất. Nếu cải thiện được khoảng 10% giây đối với 2 thành tích ở SEA Games 27 là 11 giây 59 (100 m) và 23 giây 55 (200 m), thì cơ hội giành huy chương của Vũ Thị Hương là rất cao.

Một vận động viên trẻ khác cũng đang được chú ý là Nguyễn Thị Oanh, vốn có sở trường ở các nội dung chạy 400m nữ, 200m phối hợp nữ và 400m phối hợp nữ. Tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á 2013, Nguyễn Thị Oanh đã mang về 5 Huy chương Vàng ở các nội dung thi đấu cho đoàn thể thao học sinh Việt Nam. Còn tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2013, vận động viên sinh năm 1996 này cũng đoạt 3 HCV ở các nội dung thi đấu. Cũng giống như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh đang được đầu tư mạnh không chỉ cho đấu trường Sea Games, mà còn ở các đấu trường lớn: Asian Games 2014, Olympic 2016 và đặc biệt là ASIAD 2019 sẽ được tổ chức ở Việt Nam.

Ngoài ra, một số vận động viên khác cũng có khả năng tranh chấp huy chương như vận động viên Dương Thị Việt Anh ở nội dung nhảy cao; vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc ở nội dung đi bộ; vận động viên Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m và 400m rào.

Trọng tâm của thể thao Việt Nam trong năm 2014 chính là Asian Games, nên ngay từ đầu năm, rất nhiều đội tuyển đã có kế hoạch tập trung. Sau kỳ SEA Games thành công, thể thao Việt Nam đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những môn nằm trong hệ thống Olympic, trong đó có môn điền kinh.

Về phần mình, kỳ Asian Games này không chỉ là dịp để thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường châu lục, mà còn là cơ hội để chúng ta chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2016, xa hơn là kỳ Asian Games 2019 được tổ chức trên sân nhà./.

Nguồn ĐCSVN