Dấu ấn lịch sử cách mạng Đình Thần Song Thuận

Đình Thần Song Thuận (Đình Thần Mỹ Thuận Đông) tọa lạc ở ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành. Căn cứ vào sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh và sắc phong Bốn vị Tôn Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải của vua Tự Đức hiện còn lưu giữ tại đình thì Đình Song Thuận được xây dựng vào thế kỷ thứ XIX.

Trước đây, đình được xây dựng trên diện tích 11.765 m2, cửa đình quay về hướng Nam, tổng thể ngôi đình xây dựng theo kiểu chữ tam 3 gian, cột gỗ, mái ngói âm dương, có diện tích xây dựng 462,8 m2 gồm: Vỏ ca, vỏ quy, chánh điện và nhà khói.

Trải qua thời gian và các biến cố lịch sử, nhất là do ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình được nhân dân sửa chữa nhiều lần để được khang trang như ngày nay nhưng vẫn giữ được kết cấu như cũ, chỉ thay thế bằng mái tole fibro, vách tường, nền lát gạch tàu và thêm Nhà bia ghi danh liệt sĩ của xã (diện tích 56,2 m2, xây theo kiểu tứ trụ, mái ngói cong).

Như bao ngôi đình khác ở Nam bộ, Đình Thần Song Thuận là nơi tôn nghiêm để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, các vị thần linh mà nhân dân tín ngưỡng và những người có công lập làng, lập xã. Bên cạnh đó, Đình Thần Song Thuận còn có nét riêng so với các ngôi đình khác là thờ “Việt Nam Tổ quốc”, 2 bên có đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ:

“Vạn cổ anh linh ngưỡng vọng thần ân tư vũ lộ
Nhất thôn phong phú nguyện kỳ thánh đức hộ  sanh dân”.

Đình không chỉ là nơi thờ cúng tín ngưỡng dân gian của nhân dân trong xã, mà trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình còn là cơ sở cách mạng. Năm 1940, để chuẩn bị cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, ông Trần Văn Tâm (tên thường gọi Bầu Tư Vạn) là cán bộ cách mạng, được Chi bộ xã Song Thuận “cài” vào Ban Hội hương đình để tổ chức Nông hội Đỏ giúp đỡ giới bình dân nghèo, nhằm có điều kiện tốt để tập hợp quần chúng, kêu gọi ý thức đấu tranh, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Nhờ đó, lực lượng quần chúng từng bước được củng cố vững mạnh, phấn khởi gia nhập đội quân cách mạng rất đông.

Đêm 22 và sáng 23-11-1940, Chi bộ xã Song Thuận lãnh đạo quần chúng tràn ra đường nổi dậy khởi nghĩa với khí thế hừng hực, truy bắt tề làng; khui các vựa lúa của tề làng, địa chủ để phân phát cứu đói cho dân nghèo; đánh chiếm Nhà việc và đồn Song Thuận…

Năm 1946, đình là nơi tổ chức phong trào Bình dân học vụ, do ông Nguyễn Văn Tường, là trí thức yêu nước làm Trưởng ban. Thông qua các lớp học, cán bộ, đảng viên dạy chữ và tuyên truyền, giáo dục  cho nhân dân về lòng yêu nước, tình đoàn kết, tinh thần ủng hộ cách mạng, quyết tâm theo Đảng, bền lòng tham gia kháng chiến cứu nước. Trong những năm 1949 – 1950, tại đây đã nổi lên nhiều hoạt động như: “Tuần lễ vàng”, phong trào “Đồng – Thau” để đáp ứng nhu cầu về vũ khí cho lực lượng vũ trang chiến đấu….

Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, tại Đình Song Thuận đã xảy ra nhiều sự kiện, trong đó có 2 sự kiện nổi bật, đó là: Năm 1959, Mỹ – ngụy cho lính đóng đồn tại Đình Song Thuận. Năm 1962, ông Nguyễn Văn Dần (Tám Dần) tổ chức cho các đảng viên và đoàn viên làm nội tuyến trong đồn địch như đồng chí Sáu Nghệ, Bảy Răng, Hai Nguyên, Ba Xứng, Thảo, Năm Tốt… đăng ký làm lính cho chúng.

Sau khi tiếp cận được đồn Song Thuận, dưới sự chỉ huy của đồng chí Sáu Nghệ, đúng giờ G., đồng chí tổ chức cho bọn tề xã ăn nhậu, đánh bài, để đồng chí Bảy Răng, Ba Xứng và các đồng chí khác chớp thời cơ, nhanh chóng khống chế bọn lính lô cốt rồi gom súng của chúng đưa ra ngoài và tiêu diệt bọn đánh bài, trong đó có nhiều tên cảnh sát, dân vệ. Quần chúng phấn khởi tràn vào san bằng đồn bót…

Với những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, Đình Thần Song Thuận đã được UBND tỉnh công nhận là “Di tích lịch sử cách mạng” vào tháng 1-2016.

Theo Báo Ấp Bắc Online