Đại hội VFF khóa VII: Đổi mới triệt để

Thay đổi lớn nhất của kỳ Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần này chính là các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Ông Lê Hùng Dũng là Chủ tịch VFF khóa VII

     Với khẩu hiệu “Đổi mới triệt để – toàn diện nhằm thực hiện tốt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030”, Đại hội VFF khóa VII đã diễn ra vào ngày 25/3 tại Hà Nội với nhiều thay đổi lớn.

Thay đổi lớn nhất của kỳ Đại hội VFF lần này chính là các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Cùng với những bước chuyển chuyên nghiệp hóa của bóng đá, đây là nhiệm kỳ đầu tiên của Liên đoàn mà các doanh nhân được tín nhiệm bầu vào 2 chức danh trọng yếu là Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ.

Cụ thể, ở vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII (2013-2018), ông Lê Hùng Dũng-Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, quyền Chủ tịch VFF khóa VI đã trúng cử với 60/62 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 96,77%. Ông Lê Hùng Dũng cũng là ứng viên duy nhất cho vị trí này.

Vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ, sau khi ông Lê Văn Thành-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao Động Lực đã xin rút, chỉ còn lại 1 ứng viên là ông Đoàn Nguyên Đức-Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, và “bầu” Đức đã trúng cử với 60/62 phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 96,77%.

Vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn thuộc về ông Trần Quốc Tuấn (Tổng cục TDTT) với 60/62 phiếu đồng ý, đạt tỷ lệ 96,77%. Ông Trần Quốc Tuấn vốn cũng không phải người xa lạ khi nhiều năm đảm trách cương vị.

Cuối cùng là chức danh Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông với 2 ứng cử viên là các ông Nguyễn Lân Trung-Phó Chủ tịch VFF khóa VI và Nguyễn Xuân Gụ-Ủy viên thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam. Kết quả, với 32 phiếu đạt tỷ lệ 53, 33%, ông Nguyễn Xuân Gụ được bầu vào chức danh này.

Thay đổi đáng chú ý thứ 2 là phương hướng, phát triển của VFF nhiệm kỳ VII với mục tiêu đối mới toàn nhiệm nhằm thực hiện tốt “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ngày 8/2/2013.

Theo đề xuất của VFF khóa VII, bóng đá Việt Nam sẽ chọn Nhật Bản làm đối tác. Dự kiến, vào tháng 4 năm nay, hai liên đoàn bóng đá quốc gia sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

VFF cũng đề nghị Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu một HLV có chất lượng người Nhật làm HLV trưởng ĐTQG để chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – AFF Suzuki Cup cuối năm nay.

Công tác đào tạo trẻ sẽ được tập trung đầu tư mà thành công của ĐT U19 nam quốc gia với nòng cốt là U19 của Học viện HA.GL Arsenal JMG là bài học quý. Từ bài học này, VFF sẽ sớm nghiên cứu và trình các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành chính sách đặc biệt để hỗ trợ các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong công việc đào tạo trẻ theo mô hình này.

Đây sẽ là nền móng vững chắc lâu dài cho sự thăng hoa của bóng đá Việt Nam trong tương lai, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nguồn Chính phủ