Có nên quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội?

Việc quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ dẫn đến những bất cập có thể phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là vấn đề lợi ích nhóm, cũng như không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Một vấn đề được các chuyên gia pháp luật và người dân quan tâm có nên quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội (quy định tại Điều 61 của Dự thảo) tại Dự thảo hay không?.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TH).

Điều 61 Dự thảo quy định các trường hợp thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Điều 62 quy định về căn cứ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Theo TS Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), việc Nhà nước thu hồi đất vào lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên nếu thu hồi đất của dân cho các dự án phát triển kinh tế xã hội khác là quá rộng, khiến nhiều cấp, ngành, địa phương… có thể lợi dụng. Do đó, nên sửa thành “thực hiện các dự án cấp quốc gia” do Quốc hội quyết.

Thực tế những năm qua, để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, Chính Phủ đã thu hồi rất nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, và một số các dự án khác. Song, sau đó vì nhiều lý do khác nhau một số dự án để lại hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, ông Phan Văn Treo, Chủ tịch Hội công chứng TP Hồ Chí Minh cho rằng quy định bổ sung việc thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế thì tình trạng khiếu kiện sẽ còn rất dài. Thực trạng tham nhũng, khiếu kiện về đất đai thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ quy định cũng như cách thức tổ chức thực hiện cơ chế thu hồi đất. Vì vậy, nếu quy định thu hồi đất vì mục đích trên sẽ dễ sinh ra lợi ích nhóm, cơ chế xin cho. Nhà nước chỉ nên dừng ở lý do thật cần thiết vì lý do quốc phòng – an ninh, lợi ích công cộng, các dự án phi lợi nhuận.

Nhất trí quan điểm Nhà nước có quyền thu hồi đất, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Tư pháp) cho rằng cần “khoanh lại” đối tượng thu hồi đất nếu cứ “mở” để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội sẽ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện của chính quyền các cấp. Đối với đối tượng thu hồi quyền sử dụng đất của dân, nên đưa ra quan điểm mới đó là trưng mua. Theo đó, giá đất sẽ do Nhà nước quy định, tuy nhiên cần phải tham khảo ý kiến người dân để tránh các cơ quan nhà nước lạm quyền. Cụ thể, việc trưng mua phải thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận, giá công bằng. Nếu không thỏa thuận được người dân hoặc cơ quan nhà nước có quyền khởi kiện để xác định về giá.

Ở một khía cạnh khác, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp chỉ rõ, báo cáo đánh gía tác động của Luật đất đai (sửa đổi) mới chỉ tập trung vào một số vấn đề, còn thiếu các số liệu cụ thể, chỉ mang tính định tính chứ không mang tính định lượng. Chẳng hạn về quy định thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội thì báo cáo cũng chưa đánh giá được tác động của vấn đề này.

Đứng dưới góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Dũng (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài…nên sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Hiện này, Nhà nước mới chỉ chú ý đến việc bồi thường giá trị đất và giao đất mới, mà chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Không nên coi người bị thu hồi đất là người bị thiệt hại, mà phải xem họ là người góp đất vào sự phát triển chung của đất nước. Do đó, ngoài phần được bồi thường, họ còn phải được hưởng lợi từ sự phát triển này thông qua các chính sách cụ thể như hỗ trợ việc làm, chỗ ở…

Có thể thấy, để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất, Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về các trường hợp thu hồi đất, để khi Luật thực thi sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân./.