Cần bảo đảm quỹ đất nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội

Ngày 25/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự hội nghị có đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Hội nghị đã chia làm 2 tổ thảo luận với nhiều ý kiến đóng góp sát thực, sâu sắc về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn phát triển của đất nước; đồng thuận, nhất trí cao với những điểm mới, những điểm bổ sung, sửa đổi trong Dự thảo. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các nội dung: Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường thiệt hại về tài sản, sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất; đăng kí đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Một số ý kiến góp ý, bổ sung cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu đồng tình cao như: Nhà nước phải có chính sách bảo đảm quỹ đất nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, do nước ta có dân số đông cần phải đảm bảo an ninh lương thực và diện tích đất nông nghiệp của nước ta đang ngày càng bị thu hẹp do các dự án phát triển công nghiệp. Nhà nước định giá đất bồi thường phải sát với giá trường và giải quyết triệt để nhằm tránh kiện tụng kéo dài. Việc lập và thực hiện các dự án tái định cư (Điều 82) phải đặc biệt quan tâm và có chính sách đặc thù đối với các hộ phải di dời là người đồng bào dân tộc thiểu số vì đây là đối tượng so với mặt bằng chung còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời các dự án tái định cư phải được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, phải xây dựng hoàn chỉnh trước khi đưa đồng bào đến sinh sống, nhất là đảm bảo các điều kiện về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn, y tế, trường học. Việc xây dựng nhà tái định cư phải bảo đảm phù hợp với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước nên giao thời hạn sử dụng đất sản xuất là 50 năm so với 20 năm như hiện nay để người dân yên tâm sản xuất và đảm bảo làm ăn có lãi trên diện tích đất được giao. Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (Điều 101) nên giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện, không giao cho cá nhân chủ tịch tỉnh hoặc huyện vì dễ nảy sinh tiêu cực. Các cơ sở tôn giáo cũng phải đóng tiền thuê đất bởi vì cơ sở tôn giáo cũng giống như một tổ chức chính trị xã hội… ./.