Các nước kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới: “Phát thanh chính là bạn”

Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng phát thanh vẫn là một người bạn tin cậy của nhiều người dân trên toàn thế giới.

Hôm nay, UNESCO phối hợp với các Đài phát thanh trên khắp thế giới tổ chức nhiều hoạt động, kỉ niệm Ngày Phát thanh thế giới (13/2), nhằm tôn vinh và đề cao vai trò của phát thanh trong cuộc sống hiện đại.

cac nuoc ky niem ngay phat thanh the gioi phat thanh chinh la ban hinh 1
Chủ đề của ngày phát thanh thế giới 2017: “ Phát thanh chính là bạn”. (Ảnh: mid-day)

Ngày phát thanh thế giới năm nay với chủ đề “Phát thanh chính là bạn”, nhấn mạnh những  người làm phát thanh cần phải lắng nghe thính giả, tạo diễn đàn để thính giả nói lên quan điểm, giúp người làm phát thanh nắm bắt được nhu cầu và điều chỉnh sự phát triển của phát thanh cho phù hợp.

Kỉ niệm Ngày phát thanh thế giới năm nay, Trang Phát thanh của Liên Hợp Quốc (Radio UN) đăng tải hình ảnh của một sinh viên khiếm thị người Sudan bên chiếc đài phát thanh, với lời tri ân của Chủ tịch Hiệp hội người mù thế giới Fredric Schroeder. Theo ông Schroeder, “thông tin là sức mạnh”. Tuy nhiên, đối với những người khiếm thị, việc tiếp cận với các nguồn thông tin được in ấn là hết sức khó khăn. Vì vậy, phát thanh đang là một người bạn tin cậy, giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người khiếm thị trên toàn thế giới.

Ông Schroeder nhấn mạnh: “Một trong những khó khăn đối với người khiếm thị là họ không thể tiếp cận các nguồn thông tin một cách dễ dàng. Chỉ có khoảng 5% những nguồn thông tin được in ấn như tạp chí, báo… người khiếm thị có thể tiếp cận được. Chính vì vậy, đối với những người khiếm thị, cách tốt nhất để tiếp cận với thông tin đó là phát thanh và truyền hình. Tuy nhiên, với những ưu điểm đặc biệt của mình, phát thanh vẫn là phương tiện hàng đầu, một người bạn thân thiết đồng hành cùng người khiếm thị”.

Theo UNESCO, phát thanh là một phương tiện truyền thông có từ lâu đời, trong bối cảnh thế giới đang bước vào một kỉ nguyên bùng nổ thông tin với sự phổ cập của điện thoại thông minh hay các truyền thông đa phương tiện khác. Tuy nhiên, phát thanh vẫn có những lợi thế riêng của mình.

cac nuoc ky niem ngay phat thanh the gioi phat thanh chinh la ban hinh 2
Sinh viên khiếm thị Sudan bên chiếc đài phát thanh. (Ảnh: UN Radio)

Là một phương tiện truyền thông giá rẻ và công cụ truyền tải thông tin hiệu quả, nên phát thanh vẫn đến được với nhiều người dân thế giới hơn là điện thoại thông minh và truyền hình. Đây cũng là phương tiện hàng đầu đến với người dân không được tiếp cận với internet và đặc biệt khu vực xa xôi và những người dễ bị tổn thương, bao gồm những người khuyết tật, khiếm thị, thanh niên phụ nữ và người nghèo.

Trong thông điệp nhân ngày Phát thanh thế giới hôm nay, Tổng giám đốc UNESCO bà Irina Bokova cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, phát thanh là một phương tiện giúp kết nối cộng đồng, là nguồn cung cấp thông tin quan trọng. Phát thanh cũng đại diện cho tiếng nói của những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, công cụ của nhân quyền và góp phần đưa ra giải pháp cho các thách thức mà thế giới đang đối mặt.

Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cũng gửi lời chúc mừng đến những người làm phát thanh thế giới nhân ngày 13/2: “Tôi xin gửi lời chúc mừng đến tất cả những người làm phát thanh trên thế giới nhân ngày Phát thanh thế giới hôm nay. Chúng ta đều phải công nhận về sức mạnh của loại hình phương tiện truyền thông hiệu quả này, giúp kết nối mọi người gần nhau hơn, thúc đẩy các cuộc đối thoại tích cực. Xin chúc mừng các bạn và tôi xin nhấn mạnh chủ đề của năm nay ‘Phát thanh chính là bạn’”.

Với chủ đề Ngày phát thanh thế giới năm 2017 “Phát thanh chính là bạn” nhấn mạnh sự tham gia thường xuyên, tích cực của bạn nghe đài vào phát thanh, không chỉ tham gia bằng việc góp tiếng nói của mình trên sóng mà còn có thể tham gia xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển của cơ quan truyền thông.

Các đài phát thanh cũng cho rằng, những người làm phát thanh cần phải lắng nghe thính giả; tạo diễn đàn để họ nói lên quan điểm của họ, nắm bắt nhu cầu và có điều chỉnh cho phù hợp.

cac nuoc ky niem ngay phat thanh the gioi phat thanh chinh la ban hinh 3
Biên tập viên làm việc trong một chương trình phát thanh của VOV.

Đại diện một Đài phát thanh tại Tây Ban Nha Alberto Alonsa  nhấn mạnh: “Trong những ngày này những người làm phát thanh chúng ta có thể  tự hào nhưng cũng phải cảm ơn tất cả những chuyên gia trên toàn thế giới đã hợp tác. Tuy nhiên lời tri ân đặc biệt của chúng ta là tới các thính giả. Thính giả chính là điều giúp phát thanh tồn tại năm này qua năm khác. Chúng ta hãy làm ngày nào cũng là ngày phát thanh thế giới”.

Theo UNESCO, hôm nay sẽ có hơn 100 sự kiện trên toàn thế giới kỉ niệm Ngày phát thanh thế giới, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của phát thanh trong kỉ nguyên kĩ thuật số.

Trung tâm truyền thông đa phương tiện đảo quốc Solomon cho biết, trong khi điện thoại thông minh và các loại hình công nghệ đang ngày càng phổ biến, phát thanh hiện vẫn là một phương tiện hữu hiệu tại quốc đảo này, đặc biệt với các khu vực ngoài thủ đô.

Theo Giám đốc Trung tâm truyền thông đa phương tiện đảo quốc Solomon Moddie Nanau, hầu hết người dân quốc đảo này không tiếp cận được internet hay tivi và nghe đài vẫn là một sở thích hàng ngày của họ.

Trong ngày 13/2, Trung tâm truyền thông đa phương tiện đảo quốc Solomon sẽ phát một loạt các chương trình với chủ đề “Phát thanh chính là bạn”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của phương tiện truyền thông hiệu quả này.

Hãng thông tấn và phát thanh Sputnik của Nga lần đầu tiên tham dự Ngày phát thanh thế giới, với một chương trình đặc biệt kéo dài 24 giờ trong hôm nay. Theo đó, các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới sẽ kết nối để tham gia vào những cuộc thảo luận về xu hướng phát thanh toàn cầu. Trong chương trình này, khán giả cũng có thể tương tác thông qua Website của Đài.

Ngày 13/2, Ghana cũng lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Ngày phát thanh thế giới, thảo luận các giải pháp giúp tăng trạm phát sóng cũng như vai trò của phát thanh trong thế giới hiện đại.

Đánh giá cao ý nghĩa của phát thanh đối với vấn đề y tế, Trung tâm chương trình truyền thông Johns Hopkins tại Mỹ – cơ quan có 30 năm kinh nghiệm truyền tải những thông tin phát thanh chiến lược về sức khỏe, đã dành thời lượng lớn trong chương trình ngày 13/2,  tạo ra các nhóm tương tác về vai trò của phát thanh đối với sức khỏe con người./.

Nguồn vov.vn