Bóng đá Việt Nam và Thái Lan: Khác nhau ở cách làm

Để hiểu hơn về vị thế của nền bóng đá Việt Nam, hãy so sánh với quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng là Thái Lan.

Các câu lạc bộ

Trước hết là hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp là xương sống với mọi nền bóng đá. Hiện giờ, hệ thống các giải chuyên nghiệp của Thái Lan đã được hình thành ổn định và đầy đủ. Giải cao nhất, Premier League, có 18 đội tham dự, có lên-xuống hạng. Giải hạng Nhất (Division 1) cũng có 18 đội và có lên xuống hạng.

Rõ ràng, nếu so với sự trồi sụt thất thường về số đội bóng, những mối đe dọa bỏ giải luôn lơ lửng trên đầu BTC và cả tình cảnh tới cuối mùa mới biết có đội… xuống hạng hay không ở V-League, mà tự hào rằng giải đấu của chúng ta là số một Đông Nam Á e là lố nếu nhìn sang đất Thái Lan.

Một trận đấu ở Premier League Thái Lan

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở thượng tầng. Lý do đơn giản vì sao BTC V-League luôn nơm nớp sợ có đội bỏ giải là vì họ không thể tìm ra đội thay thế, dẫn tới nguy cơ các giải đấu chuyên nghiệp có thể cứ teo tóp dần, thậm chí có nguy cơ phải giải tán. Sở dĩ không thể tìm ra đội thay thế, là vì nền tảng bóng đá quá thấp kém.

Ở Thái Lan, ngoài hai hạng chuyên nghiệp Premier League và hạng Nhất, hạng Nhì có tới 84 đội tham dự. Do quy mô giải lớn và tiềm lực các đội có hạn, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) chia giải thành sáu giải cấp tiểu vùng tạo điều kiện tối đa về địa lý và tài chính cho các đội tham dự, bao gồm vùng Bangkok (14 đội), Trung/Đông (14 đội), Trung/Tây (13 đội), Bắc (16 đội), Đông Bắc (16 đội) và Nam (11 đội).

Các giải này cũng đều có đội lên xuống hạng. Các con số tương ứng đặt trong so sánh giữa hai nền bóng đá Việt Nam-Thái Lan trong mùa giải 2013 là: Thai Premier League – V-League: 18-12 (và còn 11 sau khi Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải), hạng Nhất: 18-8, hạng Nhì: 68-17. Ở dưới hạng Nhì, được coi là các giải bán chuyên, trong khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có 16 đội ở giải hạng Ba mùa 2013, thì FAT có tới 100 đội, lại chia làm ba hạng nữa (hạng Ba 15 đội, hạng Tư 25 đội và hạng Năm 60 đội).

Chỉ nhìn vào những con số đã có thể thấy nền bóng đá Thái Lan vững chắc nhờ vào nền tảng vững chắc. Nói một cách hình ảnh hơn, thì mô hình của bóng đá Thái giống như một hình kim tự tháp, phần đáy rộng lớn, với các giải cấp vùng quy mô và sự tham gia đông đảo của những đội ở hạng rất thấp mơ một ngày được đá ở Premier League, đã là bệ đỡ vững chắc cho bóng đá đỉnh cao phát triển.

Ngược lại, các giải hạng Nhì và hạng Ba của Việt Nam hầu như không được quan tâm và với cả sự ít ỏi về số lượng đội tham gia lẫn chất lượng, khó có thể là nền tảng tốt cho V-League. Đó cũng phần nào là lý do dẫn tới hàng loạt hệ lụy khác của nền bóng đá xứ sở: tràn ngập các ngoại binh khi tuyến dưới quá yếu, VFF không thể mạnh tay trước đe dọa bỏ giải của các đội, V-League không có xuống hạng…

Cuối cùng, cũng phải nhắc tới vấn đề tiền thưởng, để tránh ngộ nhận là chúng ta đang dùng tiền xây dựng bóng đá, bởi lẽ tiền mà V-League đã bỏ ra, ngay cả ở thời phải tiêm thêm “doping” để các đội bóng tích cực hơn dự giải như mùa vừa rồi, nhà vô địch quốc gia Hà Nội T&T cũng chỉ nhận khoản thưởng 4 tỉ đồng từ BTC giải. Trong khi đó, tiền thưởng cho đội vô địch Thái Lan mùa 2013 là 10 triệu baht, tức 6,8 tỉ đồng, hơn 1,7 lần so với V-League (Tiền thưởng cho đội vô địch Malaysia Super League cũng cao hơn so với V-League, vào khoảng 5 tỉ đồng).

Không sai, lượng tiền của bỏ vào bóng đá ở Việt Nam là không nhỏ, nhưng với vị thế của một nền kinh tế còn chưa phát triển, số kinh phí đó có thể lớn với chính chúng ta ở quá khứ, với những so sánh nội tại, còn bước ra ngoài, chỉ cần đặt cạnh các giải khu vực thôi, đã chẳng thể hơn được ai. Nền tảng không có, đặt cạnh các nền bóng đá khu vực, giấc mơ dùng tiền mua đẳng cấp cũng chỉ là tự huyễn hoặc mình.

Sự cuồng nhiệt của bóng đá Thái Lan không thua kém ai

Đào tạo trẻ và đội tuyển quốc gia

Tại khu vực Đông Nam Á, có một quốc gia từng tham dự World Cup: Indonesia, vào… World Cup 1938 ở Pháp, khi mà quốc gia này vẫn chưa giành độc lập và đến giải với tên gọi Đông Ấn thuộc Hà Lan. Cho tới giờ, đó vẫn là một sân chơi quá tầm với bóng đá vùng trũng, và những so sánh thích hợp giữa các nền bóng đá trong khu vực vẫn chỉ là những sân chơi khu vực, hay xa hơn một chút là châu Á.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Việt Nam cũng chưa thể so sánh được với các đối thủ trong khu vực tại các sân chơi đó (xem bảng thống kê), nhưng những vấn đề đáng so sánh nằm sâu xa hơn trong công tác đào tạo trẻ. Cuối năm 2012, sau khi đội U16 Thái Lan bị loại sớm ở vòng bảng giải vô địch châu Á, các thành viên FAT và những câu lạc bộ Premier League Thái Lan đã ngồi lại với nhau tìm kiếm nguyên nhân và một trong những lý do chính là sự thiếu vắng các giải đấu trẻ song song với Premier League diễn ra suốt năm.

Điều đáng ghi nhận là chính các câu lạc bộ tích cực hơn ai hết trong việc này, do họ có nền tảng tốt đội ngũ cổ động viên địa phương cũng như sự ủng hộ từ FAT. Chonburi, Bangkok Glass, Muang Thong United và BEC Tero Sasana, với sự ủng hộ hùng hậu về mặt kỹ thuật của các chuyên gia hàng đầu thế giới do FAT thuê như: Winfried Schafer, Sven-Goran Eriksson, cùng huấn luyện viên Chonburi Witthaya Laohakul, Giám đốc học viện đào tạo trẻ của Bangkok Glass Hans Emser và cựu Tổng thư ký và Phó chủ tịch FA Chaichok Poompuang đã được đưa vào ủy ban tổ chức các giải trẻ

Giải vô địch quốc gia trẻ đầu tiên ở cấp câu lạc bộ, được tiến hành song song với giải của các đội lớn, đã được Thái Lan khởi động vào tháng 3/2013. Giải sẽ kéo dài 7 tháng với sự góp mặt của tất cả các đại diện Premier League và hạng Nhất. Người Thái cũng không trọng thành tích, ban đầu họ dự tính tổ chức cả hai giải U16 và U18 cùng năm 2013, nhưng cuối cùng, sẽ chỉ có giải U16 được tổ chức trước. Như vậy, bước tiến chuyên nghiệp của Thái Lan đã diễn ra vững chắc, từng bước một với định hướng rõ ràng, cho tới lúc nên hình nên đạng đầy đủ như bây giờ.

Việc tổ chức các giải trẻ là tiến trình rất đáng học tập, khi Giám đốc học viện trẻ của Chonburi Thanasak Suraprasert đứng ra mời và thuyết phục từng câu lạc bộ ở Premier League tham dự. Các đội cũng góp tiền, cộng thêm tiền từ nhà tài trợ, để trang trải chi phí cho giải, tập trung vào việc tạo sân chơi cho các cầu thủ cọ sát và giảm những chi phí lễ lạt rườm rà, xuống mức khoảng 3 triệu baht (2 tỉ đồng), chủ yếu là cho BTC và trọng tài.

Schafer, huấn luyện viên từng tham dự World Cup 2002 với Cameroon, là một trong những thành viên chủ chốt của dự án. Ông cũng đã nhắc lại nhiều lần về việc ông đánh giá cao triển vọng của cầu thủ trẻ ở Thái Lan ra sao. “Nếu Thái Lan còn muốn tham dự vòng chung kết World Cup và không muốn bị đứng ngoài tốp 100 bảng xếp hạng FIFA trong tương lai, cách duy nhất là đầu tư vào cầu thủ trẻ một cách có bài bản ngay từ bây giờ”, FAT đặt mục tiêu và giải thích rõ ràng trong lời hiệu triệu các câu lạc bộ của họ./.

Những cột mốc của bóng đá Đông Nam Á

 * World Cup: Chỉ duy nhất Indonesia từng tham dự một lần từ World Cup 1938 tại Pháp.

* Giải vô địch châu Á: Myanmar là á quân giải năm 1968 tổ chức tại Iran. Thái Lan giành huy chương đồng ở giải năm 1972 trên sân nhà. Việt Nam cũng có một lần vào tứ kết năm 2007 khi giải diễn ra ở khu vực Đông Nam Á.

* Olympic: Thái Lan có hai lần được tham dự Olympic, 1956 ở Úc và 1968 tại Mexico, nhưng đều dừng bước ở vòng một. Myanmar và Malaysia từng tham dự Olympic 1972 ở Đức.

* Asian Games: Myanmar hai lần giành huy chương vàng các năm 1966 và 1970, đều ở Thái Lan. Họ cũng đã có 9 lần tham dự giải này. Thái Lan cũng có chín lần tham dự, nhưng thành tích tốt nhất chỉ là vào bán kết, các năm 1990 (Trung Quốc) và 1998 (Thái Lan).

* Cấp độ câu lạc bộ: Ở sân chơi châu lục tại cấp độ câu lạc bộ, thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam chỉ là việc Becamex Bình Dương vào bán kết AFC Cup, giải đấu hạng hai. Malaysia từng có đại diện vào chung kết giải cấp câu lạc bộ danh giá nhất của châu Á, AFC Champions League (Selangor năm 1967), trong khi Thái Lan từng có đại diện vô địch giải này (Thai Farmers Bank các năm 1994 và 1995). Gần nhất, BEC Tero Sasana từng vào chung kết năm 2003, nhưng thua Al Ain (UAE).

Nguồn vov.vn