Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam: Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

* Ngày 15/3, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố, đại diện các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đa số đại biểu đều đồng thuận cao với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật có nhiều điểm phù hợp với thực tiễn của đất nước, có nhiều điểm tiến bộ và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đã có 59 ý kiến đóng góp cho bản Dự thảo, trong đó tập trung vào 25 vấn đề quan trọng như: Giải thích rõ nghĩa từ ngữ, quy hoạch sử dụng đất, giao đất – cho thuê đất, thu hồi đất, thời hạn sử dụng đất, sở hữu đất; điều kiện chuyển nhượng, công chứng, thủ tục đất đai, quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; xử lý, trách nhiệm, giám sát, thanh tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư …

Về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể hơn khu vực nào được phân lô, khu nào không được phân lô đối với các dự án tái định cư cho phù hợp với địa phương. Đối với đất lúa nằm trong diện quy hoạch chuyển sang đất khác thì phải xin phép Chính phủ. Cần quan tâm đến nông dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, nhất là tạo điều kiện đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân, xác định trách nhiệm của Nhà nước đối với người trồng lúa. Đối với giá đất bồi thường, cần quy định giá đất cụ thể tại thời điểm giá thị trường địa phương và phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Về thẩm quyền giao đất, cấp huyện giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh; cấp tỉnh giao đất cho các tổ chức thuê. Cần phải có chế tài đối với đất sử dụng sai mục đích. Tăng thời gian thuê đất để người dân sử dụng đất có hiệu quả, ưu tiên sử dụng đất phục vụ các mục đích an sinh, phúc lợi xã hội.

Hiện tại, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cũng đang tổ chức hội nghị cấp huyện để lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị cấp huyện và ý kiến góp ý của nhân dân.

* Trong hai ngày 14 và 15/3, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung quy định tại chương I, IV, V và VI. Đa số ý kiến đều đồng tình việc sửa đổi Luật Đất đai là rất kịp thời và phù hợp với xu thế hiện nay. Một số ý kiến đề nghị Dự thảo cần quy định có một cơ quan độc lập định giá đất, định giá đất theo vùng hoặc khu vực để có mức giá đền bù, hỗ trợ tương xứng và đi kèm các chính sách về việc làm, tạo điều kiện học tập cho con em của người bị thu hồi đất, nhà ở… Nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề về sửa đổi một số từ ngữ; quy định hạn mức, thời gian sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; giám sát của công dân đối với việc quản lý sử dụng đất…

Một số ý kiến cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi nên tách việc thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng với thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Đối với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội phải được trưng mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá thị trường là giá nào? Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường: “Từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa xác định định nghĩa hay phương pháp tính giá đất theo giá thị trường”. “Việc giao cho UBND các tỉnh, thành phố định giá đất” vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho Nhà nước áp đặt giá đất. Thu hồi đất để khai thác quỹ đất theo hướng “lấy đất đổi cơ sở hạ tầng” cũng chưa được quy định trong luật. Thu hồi đất trong trường hợp người được giao đất, cho thuê đất sử dụng không đúng mục đích; chậm trễ trong đầu tư xây dựng là thiếu tính khả thi, áp đặt.

Ông Huỳnh Ngọc Lộc (Văn phòng luật sư Huỳnh Ngọc Lộc) cho rằng khoản 2, Điều 56 thể hiện việc chuyển quyền sử dụng đất mà không cần xin phép “người có thẩm quyền”, vậy người có thẩm quyền là ai, “người có thẩm quyền” sẽ dễ phát sinh kẽ hở bởi tác động yếu tố cá nhân mà phải xác định rõ là “cơ quan thẩm quyền”. Điều 57 quá rộng khi quy định về giao đất, cho thuê đất và qua việc phân cấp đến UBND các cấp, dẫn đến nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất.

Việc cho thuê đất đối với lực lượng vũ trang khi tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất ở các khu vực miền núi, hải đảo, đầm phá… cũng làm khó khăn trong việc gắn phát triển kinh tế với ổn định an ninh, quốc phòng. Giao đất không thu tiền để sót trường hợp giao đất nhà thờ tộc, nhà thờ họ (tín ngưỡng). Quy định có thu tiền chuyển quyền sử dụng đất nhưng nguồn thu này xác định trên cơ sở pháp lý nào bởi không thuộc danh mục thuế hay lệ phí. Quy định về chuyển mục đích sử dụng đất chưa được làm rõ đối với đất vườn. Thuật ngữ đất vườn, ao chưa được định nghĩa trong Luật nhưng lại xuất hiện trong thực tế đời sống. Giao đất, cho thuê đất phải được quy định bắt buộc công khai bằng nội dung văn bản, văn bản điện tử… để người dân biết và giám sát chứ không chỉ quy định riêng cho Ủy ban MTTQ.

* Ngày 14/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ sử dụng các loại đất; chính sách quản lý, sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Bà Hồ Thị Thanh Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần diễn đạt rõ ý, dễ hiểu hơn nữa, để người đọc nắm bắt được tư tưởng, nội dung Luật. Cụ thể, tại Chương 11, cách sắp xếp các mục chưa thực sự khoa học, hợp lý. Theo bà cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cơ quan thi hành luật (Bộ Tài nguyên & Môi trường). Ông Nguyễn Minh Ánh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam góp ý, khi sử dụng từ “trưng thu” phải ghi rõ điều kiện, hoàn cảnh trưng thu…