Báo điện tử: chính xác, chân thật

Với đặc trưng cơ bản là khả năng truyền tải thông tin đa phương tiện, thông tin mang tính tức thời và phi định kỳ, có tính tương tác rộng, khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin cao, báo điện tử (BĐT) đang ngày càng chiếm ưu thế trong việc thu hút các đối tượng công chúng… Tuy nhiên, chính điểm “mạnh” đó cũng hàm chứa một điểm “yếu” cố hữu mà nhiều BĐT ở Việt Nam đang mắc phải: trong nhiều trường hợp thông tin không đảm bảo tính chính xác, chân thật. Đó là vấn đề cần được xem xét, giải quyết để BĐT ở nước ta tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng định hướng

1

 Ưu thế từ tính tức thời và phi định kỳ

 Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến cuối năm 2014, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 98 báo và tạp chí điện tử được cấp phép; ngoài ra, còn có hàng ngàn trang thông tin điện tử. Một trong những đặc trưng cơ bản và nổi bật khiến BĐT thu hút bạn đọc chính là tính tức thời và phi định kỳ, nghĩa là thông tin mà BĐT truyền đến bạn đọc được cập nhật gần như ngay lập tức khi sự kiện đang xảy ra, vừa xảy ra, cập nhật thường xuyên, liên tục mà không phải chờ đợi đến định kỳ ra báo, định kỳ  phát sóng như báo in hay đài phát thanh, truyền hình. Chính tính tức thời và phi định kỳ đã tạo ra nhiều ưu thế của BĐT, xét về góc độ đối với bạn đọc cũng như đối với cơ quan báo chí, người làm báo.

Đối với bạn đọc, chỉ với một điện thoại đi động, máy tính bảng, máy tính xách tay có kết nối internet, bạn đọc BĐT có thể biết được thông tin gần như ngay lập tức về những sự kiện, hiện tượng vừa mới xảy ra, đang xảy ra được đông đảo công chúng quan tâm. Với BĐT, bạn đọc không chỉ được thông tin rất nhanh, thông tin liên tục những sự kiện nóng được dư luận xã hội quan tâm mà còn được trực tiếp bày tỏ chính kiến với tòa soạn, với nhà báo, tương tác giữa bạn đọc với nhau thông qua các comment (bình luận) trực tiếp trên trang BĐT và mức độ tương tác gần như không giới hạn.

2

Tính tức thời và phi định kỳ của BĐT làm cho tòa soạn BĐT và các phóng viên, biên tập viên gần như không có khoảng thời gian nghỉ (như giữa 2 kỳ báo in hay giữa 2 kỳ phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình). Nó buộc nhà báo phải khẩn trương, năng động, nhạy bén hơn trong tiếp cận, nắm bắt, khai thác nguồn tin, đưa tin nhanh hơn để thu hút độc giả.

Áp lực từ tính tức thời và phi định kỳ của BĐT

Dù tạo ra nhiều ưu thế nhưng tính tức thời và phi định kỳ cũng tạo ra nhiều áp lực cho những người làm BĐT. Đó là:

Thời gian đưa tin, bài lên mạng tính từng phút, từng giây đòi hỏi người viết bài, người biên tập vừa phải chạy đua về mặt thời gian vừa phải đảm bảo tiếp cận được với nhiều nguồn tin để đáp ứng nhu cầu được thông tin nhanh, thông tin nhiều, thông tin liên tục của nhiều đối tượng công chúng. Điều đó khiến những người làm BĐT luôn phải chịu áp lực lớn từ nhu cầu của công chúng.

Nhanh nhưng thiếu độ tin cậy

Tính chính xác, cùng với nó là tính khách quan, chân thật, trung thực là một trong những đặc trưng cơ bản, hàng đầu của báo chí, trong đó có BĐT. Thế nhưng, do phải gánh nặng những áp lực như đã nêu trên nên nhược điểm thường thấy trên nhiều tờ BĐT ở Việt Nam thời gian gần đây là ít đảm bảo được tính chính xác nếu so với báo in, phát thanh, truyền hình. Trên thực tế, không ít tờ BĐT vì chạy nhu cầu câu view, quá đề cao tính tức thời mà xem nhẹ tính chân thật của thông tin đã đưa tin không đúng sự thật, không chính xác. Xét về bản chất, mâu thuẫn giữa tính chính xác với tính tức thời và phi định kỳ trên BĐT còn là mâu thuẫn giữa lợi ích của một nhóm (một số cơ quan BĐT, nhóm công chúng) với lợi ích chung của xã hội.

Ngoài ra, cũng không loại trừ tình trạng một số người có trách nhiệm trong các tòa soạn BĐT, một số biên tập viên, phóng viên có quan niệm: cứ đưa tin thật nhanh, có tin trước BĐT khác để câu view. Nếu có sai thì sau đó dỡ xuống hoặc bổ sung, sửa chữa số liệu, chi tiết… cũng được. Mâu thuẫn này xuất phát từ lối tư duy thực dụng, chạy theo đồng tiền, háo danh của một số người làm BĐT mà xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

3

Một số biểu hiện  không chính xác về thông tin trên BĐTthường gặp thời gian qua là: thông tin không đúng với bản chất và trình tự diễn tiến sự việc; người viết cố tình bịa đặt để tạo yếu tố giật gân, câu khách; người viết tự ý suy diễn rồi đưa thông tin không chính xác; trích dẫn tùy tiện; sai số liệu, chi tiết;  sai tên tuổi, chức danh nhân vật trong bài báo;  sai địa danh, thời gian;  sai chú thích ảnh,…

Hậu quả của việc thông tin không chính xác

Những sai sót, không bảo đảm tính chính xác của thông tin trên nhiều tờ BĐT thời gian gần đây đã ít nhiều làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Trên thực tế, nhiều người vẫn thích lướt qua các trang BĐT để tìm những thông tin mới, lạ. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn thông tin để minh chứng thì nhiều người không chọn BĐT vì không dám tin cậy vào độ xác thực của thông tin.

Nhiều thông tin không chính xác trên BĐT đã tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, đến sự phát triển đất nước, phần nào ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Điều đó thật bất lợi cho sự phát triển của đất nước.

Tồn tại những người làm báo thiếu đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm với xã hội, với công chúng, với đất nước.Trong một số trường hợp, người làm BĐT  chỉ chăm bẵm đưa tin thật nhanh để cạnh tranh thông tin, để câu view mà thiếu quan tâm hay không quan tâm đến tính chính xác, tính chân thật, khách quan của thông tin đã bị kẻ xấu lợi dụng để tạo ra sự bất ổn xã hội.

4

Để báo điện tử vừa nhanh vừa chính xác, đáng tin cậy

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, làm cho BĐT vừa đảm bảo tính chính xác, chân thật vừa đảm bảo tính tức thời, phi định kỳ cần quan tâm một số vấn đề sau:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo chí nói chung, nhất là đối với BĐT. Sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Báo chí và các văn bản dưới luật liên quan đến BĐT cho phù hợp với thực tiễn phát triển của BĐT ở Việt Nam và thế giới hiện nay.Chú trọng xây dựng và thực thi tốt các chế tài xử lý vi phạm theo hướng đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn đối với những nhà báo, cơ quan báo chí cố tình vi phạm nguyên tắc về tính khách quan, chân thật của báo chí cách mạng do chạy theo xu hướng giật gân, câu khách.

Củng cố bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí từ Trung ương đến các địa phương. Đội ngũ cán bộ này phải bảo đảm trình độ, năng lực, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp để có thể làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý và tham mưu về lãnh đạo, quản lý BMĐT. Trong tương lai, có thể xem xét thành lập một cơ quan như một Viện chuyên nghiên cứu về sự phát triển của BĐT ở Việt Nam, vì xu hướng chung của thế giới trong một vài thập kỷ tới là BĐT sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trong các loại hình báo chí. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho những người làm BĐT. Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo nói chung, nhất là những người làm BĐT.

Trong đó, cần quan tâm nhiều đến trách nhiệm của người làm BĐT trong việc đưa đến cho công chúng những thông tin chân thật, chính xác, khách quan với những định hướng đúng đắn, đảm bảo tính nhân văn của thông tin.

Với những ưu thế là khả năng truyền tải thông tin đa phương tiện, thông tin mang tính tức thời và phi định kỳ, có tính tương tác cao giữa tòa soạn và công chúng, khả năng lưu trữ và tìm kiếm thông tin rất cao, BĐT đang có những cơ hội phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù hiện đại, tiện lợi, nhanh chóng đến đâu thì điều mà đại đa số công chúng mong muốn ở BĐT vẫn là phải đảm bảo được tính chính xác, chân thật trong từng mẩu tin, bài viết, chú thích ảnh… Đó là thách thức lớn đối với những người làm BĐT. Vượt qua được thách thức đó BĐT sẽ tiếp tục phát triển, gia tăng sức hấp dẫn niềm tin với công chúng và xã hội.

Nguyễn Sơn (Tạp chí Cộng sản)