ASEAN nỗ lực quản lý xung đột biển Đông

Ngày 26-6, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Indonesia đã tổ chức Hội thảo quốc tế 2015 với chủ đề “Quản lý xung đột biển Đông từ góc nhìn ASEAN”.

ASEAN cần ổn định ở biển Đông

Mục tiêu chính của diễn đàn này là nhằm thảo luận về sự phát triển và các vấn đề của biển Đông từ quan điểm của ASEAN, đồng thời khuyến khích tất cả các bên liên quan dành nhiều sự quan tâm và đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết những xung đột trong khu vực. Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định sự cần thiết nghiên cứu và giải quyết những xung đột trên biển Đông nhằm củng cố lòng tin giữa các bên và duy trì một khu vực biển Đông hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Các quốc gia liên quan cần cùng nhau tìm kiếm các giải pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và vì môi trường hòa bình chung trong khu vực. Ông Marsudi cho rằng, tình hình biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, hòa bình và ổn định, dù trên đất liền hay trên biển sẽ là nền tảng vững chắc cho một Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng. Vấn đề biển Đông có thể coi là một phép thử của vai trò trung tâm ASEAN và là cốt lõi của kiến trúc an ninh khu vực. Trong thực tế, việc quản lý có hiệu quả các điểm nóng trong khu vực, đặc biệt là các tranh chấp ở biển Đông, là một khía cạnh quan trọng của ASEAN. Việc giải quyết vấn đề này nhất thiết phải dựa trên các giải pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước năm 1982 của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và nguyên tắc 6 điểm về biển Đông của ASEAN.

Nhiều tham luận tại hội thảo đã đề cập đến những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên của ASEAN là vấn đề cần giải quyết.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép trên đảo Vành Khăn.

Tốc độ nạo vét của Trung Quốc chưa từng có trong lịch sử

Theo Reuters, một số nhà khoa học bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc cải tạo các đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đe dọa hủy hoại hệ thống san hô quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo các nhà khoa học, Trung Quốc sử dụng cát nạo vét và san hô để xây dựng đảo nhân tạo đã làm hư hại hệ thống đá ngầm với khu vực bị ảnh hưởng có thể lớn hơn so với ước tính ban đầu. Những lo ngại này đã phản bác báo cáo của Trung Quốc lặp đi lặp lại rằng Bắc Kinh cam kết bảo vệ các rạn san hô và môi trường biển rộng lớn hơn ở biển Đông phù hợp với nghĩa vụ của mình theo Công ước của LHQ.

Nhà khoa học chuyên về sinh vật biển John McManus, thuộc Trường Đại học Miami, bang Florida (Mỹ) từng làm việc với các nhà khoa học Philippines để nghiên cứu biển Đông, nói với các chuyên gia rằng việc “khai hoang” của Trung Quốc làm mất đi vĩnh viễn diện tích rạn san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Chuyên gia về khoa học biển Youna Lyons thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói với Reuters trong tuần này rằng bà đã nhìn thấy thêm bằng chứng về kiểu Trung Quốc nạo vét. Bà nói: “Quy mô của việc nạo vét liên tục các đảo, các dải san hô không có người ở biển Đông là chưa từng có trong lịch sử”.

Trong khi đó, theo hãng tin AP ngày 26-6, Thị trưởng thành phố Kalayaan, tỉnh Palawan của Philippines, ông Eugenio Bito-onon, cho biết, ông vừa bay gần bãi Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bằng máy bay cá nhân khi chuẩn bị hạ cánh xuống một quần đảo gần đó hơn 1 tuần trước, ông đã chứng kiến công trình của Trung Quốc đang được thi công với tiến độ cao nhất. Ngoài ra, còn có thể nhìn thấy nhiều máy nạo vét và một cần cẩu lớn trên hòn đảo nhân tạo này. Theo ông, đây là bằng chứng cho thấy phải mất nhiều tháng nữa Trung Quốc mới có thể hoàn tất công trình tại đây. Trong khi đó, 2 quan chức quân sự cấp cao của Philippines nói rằng các chuyến bay giám sát mới đây cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc vẫn được tiến hành ở một vị trí khác, gọi là bãi Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 16-6 cho biết, các dự án cải tạo đất trên một số đảo và bãi đá ngầm “sẽ được hoàn thành vào những ngày sắp tới”. Như vậy tuyên bố này hoàn toàn đi ngược với những hình ảnh nói trên.

SGGP