Ấn Độ và Nhật Bản thắt chặt quan hệ với ASEAN

Tại Jakarta (Indonesia) vừa diễn ra cuộc họp lần thứ 15 Ủy ban Hợp tác chung ASEAN – Ấn Độ (AIJCC) với sự tham dự của Ủy ban Các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) và Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN nhằm đánh giá quan hệ hợp tác ASEAN – Ấn Độ thời gian qua và xác định các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Ấn Độ: ASEAN – trọng tâm trong chiến lược hướng Đông

Tại cuộc họp, Ấn Độ khẳng định chính sách coi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược hướng Đông, mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN trên cả ba trụ cột, nhất là sau khi Cộng đồng ASEAN thành lập sau năm 2015. Các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư, được Ấn Độ và ASEAN ký kết đang tạo cơ hội rất lớn để các bên khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế. Về kinh tế, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 67,7 tỷ USD, xuất khẩu từ ASEAN sang Ấn Độ tăng 3,4% trong năm 2014. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và đạt mức gấp đôi vào năm 2020.

Ấn Độ đã hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối, mở rộng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là giúp thành lập các trung tâm đào tạo tiếng Anh, công nghệ thông tin tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Đánh giá quá trình hợp tác ASEAN – Ấn Độ trong thời gian qua, hai bên khẳng định sẽ tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực cùng quan tâm như an ninh trên biển, an ninh mạng, khủng bố, khoa học công nghệ và công nghệ thông tin, giao lưu nhân dân, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất trí bàn các biện pháp để thành lập Trung tâm ASEAN – Ấn Độ (AIC) trong thời gian tới. Dự kiến, cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16 sẽ được tổ chức vào năm 2016.

Nhật – ASEAN: Nâng cấp quan hệ đối tác kinh tế toàn diện

Trong khi đó, theo thông tin từ Ban thư ký ASEAN, tại cuộc Đối thoại ASEAN – Nhật Bản diễn ra vào ngày 22-6 tại Phnom Penh, Campuchia, hai bên đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Nhật Bản và đồng ý tạo mọi thuận lợi để tăng cường hợp tác về kinh tế và ngoại giao. Quan chức hai bên đã thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm để giải quyết các thách thức đang nổi lên và thúc đẩy hòa bình, ổn định.

Đối thoại đã đánh giá sự tiến bộ trong quan hệ ASEAN – Nhật Bản, đặc biệt là kể từ khi sau dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ASEAN – Nhật Bản vào năm 2013. Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN và là quốc gia xếp vị trí thứ hai về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại ASEAN.

Một nhà máy sản xuất ô tô của doanh nghiệp Nhật tại Philippines.

Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu trong việc tăng cường liên kết khu vực với một danh sách 70 dự án hàng đầu để giúp thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN. ASEAN và Nhật Bản đã đồng ý để khẩn trương kết thúc đàm phán nhằm nâng cấp quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản và  đạt được các mục tiêu thực hiện Lộ trình Hợp tác kinh tế chiến lược ASEAN – Nhật Bản (2012-2022).

Liên quan đến an ninh hàng hải, ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải và hàng không trên biển Đông. Nhật Bản tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với những nỗ lực không ngừng của ASEAN để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và  sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt bao gồm cả khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, tội phạm mạng, cướp biển và các mối đe dọa đại dịch.

SGGP