Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho – Gò Công

       Ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập hội nghị khẩn cấp bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm: Nơi nào có lực lượng ta mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau và quyết giành cho được chính quyền về tay nhân dân.

Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn thị xã Mỹ Tho là nơi khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điệu kiện thuận lợi cho các quận khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa ở Mỹ Tho, lấy lực lượng của Trường Quân sự tỉnh ở cầu Bến Chùa, xã Long An làm chủ công. Nhiệm vụ của lực lượng này là phối hợp với lực lượng nội ô đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thị xã.

4 giờ sáng ngày 18-8-1945, lực lượng chủ công tiến vào thị xã Mỹ Tho. Đến Boulevard Bourdais (nay là đường Hùng Vương) thì tách làm 2 cánh. Một cánh do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy tiến chiếm trại lính người Việt. Một cánh do đồng chí Hàng Nhật Nguyên chỉ huy tiến chiếm Sở Mật thám và Sở Cảnh sát. Các cánh quân đều được sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ và sự hướng dẫn của lực lượng nội ứng nhanh chóng chiếm các mục tiêu.

Trưa ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho đã hoàn thành. Sau đó Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập Ủy ban Nhân dân tỉnh và chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh chào mừng cách mạng thành công.

Cán bộ và nhân dân tham dự mit-tinh kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa tại Khu Di tích lịch sử xã Long Hưng (Châu Thành).

Cùng lúc, chính quyền địch ở Gò Công trở nên bất lực. Ngày 18-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời họp bầu Tỉnh ủy chính thức và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời để “danh chính ngôn thuận” kêu gọi toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 21-8-1945, nhân dân xã An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản. Tỉnh trưởng Gò Công phải mời đồng chí Nguyễn Văn Côn - đại diện Việt Minh đến gặp và khẩn thiết nhờ giải quyết.

Ngày 22-8, đại diện Ủy ban Dân tộc giải phóng, ông Lê Văn Philíp đến dinh tỉnh trưởng thuyết phục Trần Hưng Ký từ chức và giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng.

14 giờ ngày 22-8-1945, Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời đồng chí Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philíp tới dinh tỉnh trưởng để giao lại chính quyền. Nghĩa là nhân dân khởi nghĩa giành lại chính quyền thành công ở toàn tỉnh Gò Công.

Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho, Gò Công thành công nhanh chóng xuất phát từ toàn dân đoàn kết, đồng lòng vùng dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua cuộc khởi nghĩa, chúng ta thấy trong hàng ngũ cách mạng chẳng những có công nhân, nông dân mà có cả địa chủ, tư sản, trí thức, các vị chức sắc của các tôn giáo, nhân dân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực tham gia khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công thi hành các chủ trương của Đảng, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, thực thi các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Chính vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho, Gò Công là cuộc cách mạng thành công và triệt để.