Liệt sĩ – Nhà giáo Lê Thị Thiên

Lê Thị Thiên sinh năm 1945, tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chị Thiên là con thứ 6 trong gia đình ông Lê Văn Như và bà Nguyễn Thị Hò. Cả hai ông bà đã được nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, vì đã có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông bà đã lần lượt tiễn đưa những người con yêu dấu của mình lên đường chiến đấu. Trong những người đi đã có hai người không trở lại. Hai người ấy là liệt sĩ Lê Văn Tính và liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên.

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo của vùng sông nước miền Tây, sớm chứng kiến cảnh càn quét, bắn giết, đánh đập của Mỹ ngụy, trong lòng Thiên sớm nhen nhóm ý thức phản kháng và lòng căm thù quân xâm lược. Có lần đi học về Thiên tận mắt thấy cảnh lính Mỹ đánh đập cha mẹ mình ngay tại nhà để buộc ông bà khai ra nơi ẩn náu của cán bộ cách mạng .

16 tuổi, Thiên nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp và học giỏi trong vùng, bà con lối xóm, bạn bè đều rất yêu thương quý mến chị. Tuy vậy trong lòng chị chỉ nung nấu một quyết tâm lên đường đánh Mỹ để trả thù cho gia đình, làng xóm, quê hương.

Ngày 8 tháng  2 năm 1962, chớm 17 tuổi, Lê Thị Thiên xung phong vào bộ đội. Sẵn có kiến thức, chị được cử đi học để hoàn chỉnh chương trình phổ thông. Tháng 12 năm 1962 chị được điều động về  một đơn vị ở miền Đông. Từ đây chị say sưa công tác và hàng ngày chị vẫn tranh thủ thời gian để ghi nhật ký. Cuốn nhật ký  “Thế hệ Hồ Chí Minh” ra đời từ đây.

Tháng 5-1964, Lê Thị Thiên được gọi về Trung ương Cục học lớp sư phạm tại trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Trong 9 tháng học ở trường, Thiên đã miệt mài học tập tiếp thu kiến thức để ra trường truyền dạy cho cán bộ chiến sĩ.

        Tháng 2-1965 tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động, chị đã đem hết tâm huyết của mình vào công tác giảng dạy và sẵn sàng cầm súng chiến đấu. Hình ảnh người nữ giáo viên đầu đội mũ tai bèo, miệng cười tươi, bên mình cài lựu đạn trong tư thế sẵn sàng đánh địch còn đậm mãi trong tâm trí các giáo viên, học viên thời ấy.

Ngày 10 tháng 10 năm 1966, trong một trận vây ráp của địch, Lê Thị Thiên đã cầm súng chiến đấu. Trận chiến không cân sức, cô giáo cầm súng Lê Thị Thiên đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ. Máu của chị đã nhuộm đỏ thêm màu đất miền Đông.

46 năm, sau ngày nhà giáo Lê Thị Thiên hy sinh, đồng đội, đồng nghiệp và cả cộng đồng xã hội đã tìm được chị, đưa chị về với người thân tại quê nhà. Có được điều kỳ diệu này, một phần rất quan trọng là nhờ những trang viết của chị trong cuốn nhật ký “ Thế hệ Hồ Chí Minh”

Sau 46 năm, người con gái tuổi hai mươi hiến dâng cuộc sống đẹp nhất của mình cho Tổ quốc, tên chị – Lê Thị Thiên lại được cả nước nhắc tới như một người anh hùng. Hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ còn mãi nhớ về chị.

Theo : Trang vàng Liệt sĩ