Người làm báo hôm nay

 

TS. Trần Thế Ngọc UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủyTiền Giang

Tôi không phải là người làm báo, nhưng chắc hẳn nghề làm báo là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, chịu áp lực lớn của xã hội và tác động nhiều chiều của các đối tượng có liên quan.

Những người dân khi đến các cơ quan khiếu nại, tố cáo không được như ý nguyện, thường gởi đơn tới các toà soạn báo chí kêu cứu, xem đây là phao cứu sinh, có thể xác minh làm sáng tỏ sự việc, gióng 3 hồi trống trước công đường đánh thức quan trên xử lý.

Đa số quán giải khát ven đường người người chăm chú đọc báo bên ly cà phê đen nóng, tiếp theo là một cuộc giao ban sôi nổi từ tình hình thế giới đến chuyện phố phường, từ cuộc chiến tranh Cực Bắc đến nguy cơ biến đổi khí hậu vùng Cực Nam,… mà cớ sự cũng từ những bản tin trên mặt báo vừa cung cấp.

Các cuộc hội nghị đều trông đợi sự có mặt của cơ quan thông tấn, để long trọng giới thiệu có phóng viên báo đài tham dự đầy đủ, sau đó giúp hội nghị thông tin quảng bá rộng rãi đến toàn dân được biết.

Công việc đầu tiên trong ngày của người công chức là lướt qua những tít lớn trên các báo, sau đó đọc kỹ những mẫu tin, bài viết có liên quan, rồi mới đến chuyện Đông – Tây, kim cổ. Có những thông tin làm người công chức choáng ngợp, cảm thấy đất trời sụp đổ hoặc ngược lại.

Trong 3 ngày Tết, trên bàn tiếp khách thường có dăm tờ đặc san Xuân, được xem là món ăn tinh thần bên cạnh đĩa thịt mỡ, dưa hành, chai rượu thuốc.

Tác nghiệp

Còn vô vàn minh chứng khác, nhưng chắc hẳn không nêu lên được sự kỳ vọng của mọi người đối với Người làm báo, tính chất gian truân của nghề làm báo và những nỗi thăng trầm của nghiệp làm báo; nhất là đối với Người làm báo hôm nay đang đi giữa dòng xoáy thời cuộc, sự suy giảm của nền kinh tế – xã hội đương đại, chậm đổi mới trong hệ thống tư duy lý luận, tác động đa phương của các thế lực đối nghịch và sự vận hành nghiệt ngã của quy luật thị trường đã làm nhiễu loạn không ít đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, trong đó có thanh thiếu niên.

Trước biển cả mênh mông, để “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm“, Người làm báo cần phải có phương pháp đấu tranh phù hợp, các thông tin có độ chính xác cao, lời bình phẩm xác đáng, với chỗ dựa là cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, bản lĩnh của người làm báo cần phải được giữ vững và phát huy đúng mức. Mọi người rất dị ứng với khái niệm thị trường báo chí, bởi vì nó làm mất tính thiêng liêng, tính công lý, tính nhân văn của Người làm báo, nhưng một thị trường như thế đã hình thành và đang len vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Do vậy, Người làm báo hôm nay càng phải hội tụ đủ kỹ năng và đức năng, lòng độ lượng lẫn sự chịu đựng gian khó, hy sinh.

Hội Nhà báo lại trở thành “Mái ấm tình thương” cho Người làm báo, không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho phóng viên trút mọi nỗi niềm, hàn huyên tâm sự, mà còn hỗ trợ trong phương pháp đấu tranh, gia tăng thêm lòng nhiệt huyết trong cuộc chiến chống tiêu cực, lành mạnh hoá xã hội và xây dựng Đảng trong sạch, phát triển bền vững; bên cạnh đó là nêu được những gương điển hình người tốt, việc tốt thật sự, nhằm góp phần dẫn dắt xã hội hướng đến công bằng, văn minh và nhân ái.

Để Hội Nhà báo có vai trò thật sự trong hoạt động báo chí và trong lòng Người làm báo, chắc hẳn phải có một quy chế làm việc cụ thể, điều kiện phục vụ hữu hiệu và chế độ hoạt động rõ ràng; để cho Hội Nhà báo đủ năng lực cung cấp cho Người làm báo các thông tin đầy đủ từ pháp luật đến thời sự, định hướng xây dựng đội ngũ Người làm báo mạnh về lý luận chính trị lẫn khả năng nghiệp vụ, lòng hào hiệp, vị tha lẫn ý chí dấn thân vì nghiệp dĩ báo chí, luôn giữ mãi sức sống tinh thần và hơi ấm mùa xuân cho mọi người.

TS. Trần Thế Ngọc UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủyTiền Giang