Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút

Chiến thắng lớn của Nguyễn Huệ, đánh bại quân Xiêm vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785 (tức đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng Chạp năm Giáp Thìn)  trên khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Trận quyết chiến lược của quân đội Tây Sơn dưới sự lãnh đạo thiên tài của anh hùng dân tộc Nguyễn Huê, đập tan 5 vạn quân Xiêm và hàng ngàn quân bản bộ của Nguyễn Ánh, chôn vùi mộng bành trướng đại Thái của vương quốc Xiêm La dưới thời Cha-Kri I cầm quyền.

3

Xuất phát từ một cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và phát triển như một cơn bao táp cách mạng. Trong khoảng 12 năm (từ 17711783), nghĩa quân đã giáng những đòn chí mạng vào chế độ phong kiến ở Đàng Trong, quật ngã nền thống trị trên 200 năm của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn, giải phóng phần lớn đất Đàng Trong.

Tháng 7-1784, Nguyễn Ánh liên tục bị quân Tây Sơn đánh bại, trong bước đường cùng, ông ta đã phải cầu cứu quân Xiêm. Nước Xiêm, dưới triều vua Cha-Kri lúc đó đang thi hành chính sách bành trướng ra các nước trong khu vực. Với danh nghĩa giúp Nguyễn Ánh và để nhân cơ hội này xâm lược nước Chân Lạp (nay là Campuchia), vua Xiêm Cha-kri đã phái hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm tổng chỉ huy, thống lĩnh một đội quân gồm 5 vạn tên, chia làm hai đạo bộ binh và thuỷ binh tiến vào xâm lược nước ta.

Đạo bộ binh gồm ba vạn quân, gồm cả lính Xiêm và lính Chân Lạp. Ngoài các tướng Xiêm Lục Còn và Sa Uyển còn có một đại thành Chân Lạp thân Xiêm là Chiêu Thuỳ Biện.

Đạo thủy binh có 2 vạn tên thuộc loại thiện chiến và 300 chiến thuyền do Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy, từ Xiêm La vượt biển đổ bộ vào Rạch Giá.

Ngoài ra, cùng đi với đạo thuỷ binh này Nguyễn Ánh còn tuyển mộ thêm khoảng ba bốn nghìn tàn quân trong quân trình tiến quân Theo Phan Huy Lê thì số tàn quân này do Chu Văn Tiếp chỉ huy với chức Bình Tây đại đô đốc và mạc Tử Sinh làm tham tướng dẫn đường cho quân Xiêm tiến vào Gia Định.

Về vũ khí, ngoài các vũ khí sản xuất trong nước, quan Xiêm được trang  bị cả những loại vũ khí hiện đại của các nước tư bản phương Tây. Tháng 8-1784, thuỷ binh Xiêm đổ bộ đánh chiếm Kiên Giang (Rạch Giá). Từ đây, cánh quân này thẳng xuống hướng đông, phối hợp với cánh bộ binh từ biên giới Chân Lạp – Châu Đốc đánh xuống theo hữu ngạn sông Hậu, hình thành hai gọng kìm, chiếm Trấn Giang (Cần Thơ). Tại đây, thuỷ bộ quân Xiêm chia thành 3 đạo tiến theo 3 hướng: hướng thứ nhất do Chiêu Tăng và Chiêu Sương cầm đầu; kiểm soát toàn bộ sông Hậu ra biển và chiếm vùng rộng lớn Ba Thắc (Sóc Trăng); hướng thứ hai dò liên quân Xiêm – Nguyễn dưới quyền chỉ huy của Thát Xỉ Đa và Nguyễn Ánh đánh thẳng xuống Trà ôn (Vĩnh Long); còn hướng thứ ba do bộ binh của Sa Uyển – Chiều Thuỳ Biện đánh sang Đông Khẩu (Sa Đéc).

Năm vạn quân Xiêm cùng mấy nghìn quân của Nguyễn Ánh đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy. Quân cướp nước đi đến đâu cũng tàn sát, vơ vét của cải, hãm hiếp phụ nữ. Tuy nhiên, phải mất 6 tháng chúng cũng chỉ chiếm được nửa phần đất phía Tây Gia Định, (tương ứng với 3 tỉnh miền Tây trong Nam Kỳ lục tỉnh cũ). Trước sự tấn công của quân Xiêm, quân Tây Sơn dùng chiến thuật vừa chặn đánh vừa rút lui từng bước đê bảo toàn lực lượng, kiềm chế đến mức tối đa bước tiến của quân địch.

Bộ chỉ huy của nghĩa quân Tây Sơn lúc bấy giờ đóng ở Quy Nhơn. Số quân giữ đất Gia Định của nghĩa quân khoảng mấy nghìn  người thuộc loại thiện chiến do tướng Trương Văn Đa trực tiếp chỉ huy phải rút lui nhưng nghĩa quân đã chiến đấu rất anh dũng, gây cho địch những tổn thất nặng nề.

Bộ chỉ huy tối cao của nghĩa quân Tây Sơn luôn theo dõi cuộc kháng chiến ở Gia Định, chuẩn bị cho một cuộc phản công để quét sạch bè lũ cướp nước. Cuối năm 1784, sau khi đã biết rõ tình hình ở Gia Định, bộ chỉ huy quyết định cử Nguyễn Huệ, một tướng trẻ tài ba, mưu lược, đem thuỷ quân vào Nam tổ chức phản công. Đầu tháng 1 năm 1785, thuỷ quân ta đã vào đến Gia Định, Nguyễn Huệ đóng quân va đặt sở chỉ huy tại Mỹ Tho. Tổng số quân của ta khoảng 2 vạn, chưa bằng một nửa quân Xiêm và quân bản bộ của Nguyễn Ánh;

Nhưng người đứng đầu Nguyễn Huệ sử dụng chiến thuật du kích, tập kích vào một số vị trí đóng quân của quân Xiêm. Đó là những trận tập kích nhằm nghi binh và thăm dò lực lượng địch. Quân Xiêm lúc đầu lo phòng thủ chuẩn bị chống lại một cuộc phản công lớn của quân Tây Sơn. Nhưng sau đó chúng thấy quân Tây Sơn chỉ mở những cuộc tập kích nhỏ và Nguyễn Huệ lại chủ trương xin giảng hoà, chúng hí hửng tin rằng quân Tây Sơn không mạnh. Vì vậy, Chiêu Tăng, Chiêu Sương đã xua cả 300 chiến thuyền và toàn bộ lực lượng thuỷ binh tiến thẳng về Mĩ Tho, đại bản doanh của Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ biết chắc chắn thế nào quân địch cũng đánh lên Mỹ Tho, nên những cuộc tập kích nhỏ của ta là hành động nghi binh, nhằm mục đích nhử quân địch rời khỏi căn cứ, để tiêu diệt bằng một trận đánh vận động trên sông mà Nguyễn Huệ đã dày công nghiên cứu địa hình từ Trà Tân đến Mỹ Tho. Chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận quyết chiến chiến lược là một chủ trương thiên tài của Nguyễn Huệ.

Để bảo đảm tiêu diệt trọn vẹn đội thuỷ binh chủ lực của quân Xiêm, trận địa mai phục và các trạm tiền tiêu, các vọng gác của ta không bỏ sót một cử chỉ nào của chúng. Trên bộ, ta bố trí một lực lượng nhằm cầm chân quân bộ của chúng. Bên cạnh đó một đội thuyền nhẹ nhưng thiện chiến của ta luôn bám sát địch trên sông Tiền, nếu địch tiến sớm thì đánh quyết liệt làm chúng phải tiến chậm lại, khi đúng giờ qui định theo tính toán của ta, thuyền của ta sẽ giả thua nhằm nhử địch lọt vào trận địa mai phục của  ta. Khi nước triều bắt đầu lên và gió xuôi chiều, theo lệnh hiệp đồng, pháo binh của ta trên cù lao Thới Sơn và hai bờ sông Tiền nã đạn tới tấp vào địch, chiến thuyền của chúng bị chững lại, dồn cục vào nhau. Quân ta từ Rạch Gầm tiến ra khỏi đuôi và đánh thốc từ phía sau, lực lượng từ Xoài Mút có nhiệm vụ chia sắt quân địch, làm chúng hoảng loạn kinh hoàng. Quân Xiêm – Nguyễn hoàn toàn bị bất ngờ, chỉ trong mấy giờ đồng hồ, 2 vạn thuỷ binh cùng 300 chiến thuyền bị tiêu diệt gọn.

Đội thuỷ binh chủ lực của địch bị tiêu diệt khiến đội bộ binh ô hợp của quân Xiêm – Nguyễn hồn xiêu, phách tán. Quân Tây Sơn trên đà thắng lợi đã truy kích và tiêu diệt hầu như toàn bộ quân xâm 1ược. Chỉ trong vòng khống đầy một ngày, 5 vạn quân Xiêm  Nguyễn bị tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu. Sách Đại Nam thực lục chép: “Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to bỏ chạy, chỉ thu được vài nghìn tàn tốt, dò đường Chân Lạp mà chạy về”. Nguyễn Ánh cùng vài trăm tên sống sót, nhanh chân chuồn về Cần Thơ rồi được Mạc Tử Sinh đưa qua tá túc bên Xiêm. Từ Xiêm, y viết thư báo cho giáo sĩ J.Liot rằng: “Chúng tôi vừa bị thua trận, tất cả quân lính đều bị tan vỡ”. ([1])

Nhận được tin thất trận, vua Xiêm nhục nhã kinh hoàng, im lìm chấm dứt chiến tranh, mọi ý đồ bành trướng hoàn toàn bị tiêu tan.

Trận Rạch Gầm Xoài Mút là một trong những trận thuỷ chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với chiến thắng này, quân Tây Sơn đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất Gia Định, thu hồi những vùng đất bị chiếm đóng và làm tiêu tan tham vọng của vua Xiêm với phần lãnh thổ cực nam của nước ta. Chiến thắng rạch Gầm Xoài Mút còn giáng một đòn đích đáng,vạch trần chân tướng  phản bội của nguyễn Ánh, đập tan lực lượng quân sự và ảnh hưởng chính trị của bè lũ phong kiến phản độn.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm thắng lợi đã đưa Phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới. Từ đấy, phong trào Tây Sơn đã làm chủ toàn bộ đất Đàng Trong và có điều kiện tiến ra Đàng Ngoài lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến vua Lê Chúa Trịnh, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc

Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút dưới sự lãnh đạo thiên tài của tướng quân Nguyễn Huệ đã nâng cao và hoàn thiện một bước quan trọng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng này đã nêu cao truyền thống thuỷ chiến lâu đời và ưu việt của quân dân ta, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của những chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền phá quân Nam Hán (năm 938) và thời Trần Hưng Đạo diệt quân Nguyên (năm 1288)

Nguồn Bách khoa tri thức