Diệp Minh Tuyền, hát mãi khúc quân hành

        Diệp Minh Tuyền sinh năm 1941 tại phường 8 thành phố Mỹ Tho, trong gia đình trí thức yêu nước. Cha là ông Diệp Tư thủ lĩnh của Thanh niên Tiền Phong Mỹ Tho, mẹ là nhà giáo. Năm lên chín, cậu bé Diệp Minh Tuyền đã cùng mẹ vào chiến khu Đồng Tháp Mười, nơi cha công tác,tham gia thiếu sinh quân, làm liên lạc phụ việc văn thư với các chú các anh. Mỗi tối thứ bảy, cơ quan đều tổ chức văn nghệ, đây là dịp cậu thiếu sinh quân cùng hát vang những bài ca cách mạng đầu tiên: Tiểu đoàn 307, Chiến sĩ Việt Nam, Cương quyết ra đi, Tháp Mười anh dũng. Tuổi thơ được sống trong môi trường sinh hoạt văn nghệ cơ quan, đã giúp cậu bé Tuyền có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc. Với cây đàn mandoline mẹ mua cho, cậu đã say sưa tập luyện những bài hát phổ biến lúc bấy giờ của các nhạc sĩ nổi tiếng: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Ngô Huỳnh, Hoàng Việt, Trần Kiết Tường. Những giai điệu hào hùng, đẹp đẽ của những bài ca kháng chiến đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn cậu bé Diệp Minh Tuyền, để mấy chục năm sau, những bài hát mang âm hưởng hùng ca của anh được cất lên thúc giục lòng người.

Khi Khu 8 được chia đôi cho Phân liên khu, Diệp Minh Tuyền theo cha về Phân liên khu miền Tây, học trường Tiểu học binh sĩ, vừa học vừa công tác ở cơ quan, sau chuyển sang học trường Tiểu học kháng chiến Biển Bạch, cùng Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân), Lê Ái tham gia đội văn nghệ của trường, phục vụ cho bộ đội và đi biểu diễn nhiều nơi. Một lần đội văn nghệ được vinh dự biểu diễn chung với nhạc sĩ Quốc Hương. Mê giọng hát Quốc Hương, Tuyền rũ bạn bè đến nơi ở của ông để được ông chỉ dạy nhiều bài hát mới. Hình ảnh nhạc sĩ Quốc Hương với chiếc mũ rộng vành, ôm cây đàn ghi-ta hát như rút ruột những bài: Tiểu đoàn 307, Bình trị Thiên khói lửa, Du kích Long Phú… đã trở thành hình ảnh không phai mờ, là thần tượng, là tấm gương suốt đời anh noi theo, không chỉ ở lãnh vực nghệ thuật, mà còn ở nhân cách sống, ở cuộc đời của ông.

Năm 13 tuổi, Diệp Minh Tuyền tập kết ra miền Bắc, theo học trường học sinh miền Nam. Tiếp tục niềm đam mê âm nhạc, anh tham gia vào ban nhạc của trường học sinh miền Nam số 14, bấy giờ là ban nhạc nổi tiếng thường đi biểu diễn khắp thành phố Hải Phòng trong những dịp lễ lớn. Thời gian nầy anh vừa tập chơi đàn, vừa tập sáng tác những ca khúc đầu tiên. Tự học thầy học bạn, nhưng một thời gian không lâu anh đã được bổ sung hòa tấu đàn dây cùng với ban nhạc. Đầu năm 1961, anh đậu vào đại học tổng hợp Hà Nội, khoa văn. Theo học ban văn, nhưng anh vẫn tiếp tục chơi nhạc và bắt đầu làm thơ theo sự khuyến khích của Ca Lê Hiến, bấy giờ đã là nhà thơ trẻ nổi tiếng ở Hà Nội. Phụ trách Đội văn nghệ của trường đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã đưa hoạt đông của Đội ngày càng khởi sắc trong phong trào văn nghệ nghiệp dư ở thủ đô.

Tốt nghiệp đại học, Diệp Minh Tuyền được phân công về Viện Văn học, chuyên theo dõi nghiên cứu phê bình thơ. Những bài viết phê bình đầu tiên của anh được đánh giá cao nhưng vẫn không giữ anh ở lại Viên Văn học lâu hơn. Nỗi nhớ quê hương, nhớ miền Nam vẫn còn trong vòng kềm kẹp của quân thù luôn đau đáu trong lòng anh. Khi ấy, người bạn thân là Ca Lê Hiến đã từ chối đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài và vào chiến trường miền Nam được mấy năm. Những bài thơ ký bút danh Lê Anh Xuân viết về cuộc chiến đấu ở quê hương miền Nam như: Trở về quê nội, Dừa ơi…, càng khiến anh nao nức muốn trở về.

Rồi thời khắc ấy cũng đến, khoảng giữa năm 1967, Diệp Minh Tuyền lên đường vượt Trường Sơn. Ngoài hành trang chất lên đôi vai gầy còn có cây đàn ghi-ta. Cây đàn đã theo anh suốt chặng đường gian khổ, mang tiếng hát lời ca đến từng binh trạm, chia sẻ niềm vui cùng chiến sĩ nơi rừng sâu. Bài hát Người giao liên Trường Sơn (ký bút danh Thanh Tuyền) cùng nhiều bài thơ của anh được sáng tác ngay trên đường được đón nhận nồng nhiệt, được phát sóng trên Đài phát thanh Hà Nội. Về đến ban Tuyên Huấn Trung ương Cục miền Nam, thủ trưởng đơn vị lại chính là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người anh hằng mến mộ. Anh được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gợi ý viết lời cho bài hát ông vừa sáng tác mừng sinh nhật lần thứ 80 của Bác Hồ. Không ngờ ca khúc Tình Bác sống mãi đời ta (nhạc Huỳnh Minh Siêng, lời Thanh Tuyền) phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam không phải để mừng thọ mà là để… khóc Bác.

Được sống giữa miền Nam, được gần gũi nhưng nhạc sĩ đàn anh như Lưu Hữu Phước, Hồ Bông, Lư Nhất Vũ, Hoài Nam…, luôn nhận được sự động viên, khích lệ, những đóng góp chân tình của các anh, nhiều bài hát của Diệp Minh Tuyền ra đời ngay trong thời điểm máu lửa nầy, thể hiện cuộc chiến đấu gian khổ mà anh dũng của quân dân miền Nam, được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Con đường âm nhạc như mở ra trước mắt anh.

Nhưng niềm đam mê sáng tác ở Diệp Minh Tuyền không chỉ dành cho âm nhạc. Anh còn sáng tác nhiều thơ in trong tập Mùa nước nổi (1972) Đêm Châu Thổ (1976). Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước càng thôi thúc cảm hứng sáng tạo trong Diệp Minh Tuyền. Liên tiếp những tập thơ: Ngây thơ (1979), Con đường có lá me bay (1987), Tình ca nơi cuối đất (1991,) Hòa âm đỏ (1996) ra đời, càng khẳng định chức danh nhà thơ của anh. Thế nhưng anh vẫn không từ bỏ niềm đam mê âm nhạc. Nhiều ca khúc nổi tiếng của anh được giải thưởng và được truyền tụng trong giới trẻ như: Bài ca tạm biệt, Cánh hoa lưu ly, Bài ca người lính, Hát mãi khúc quân hành… đã đưa anh trở thành cây bút sáng tác âm nhạc nổi tiếng ở thành phố, được kết nạp vào Hội nhạc sĩ thành phố Hồ Chí Minh, Hội nhạc sĩ Việt Nam, được bầu làm phó tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố.

Đặc biệt, Diệp Minh Tuyền rất quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng tài năng trẻ. Anh thường đến nói chuyện trao đổi kinh nghiệm ở những trại sáng tác văn học, âm nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh, ở quê hương Tiền Giang, và các tỉnh xa.

Giữa lúc tài năng đang độ chín mùi, Diệp Minh Tuyền ra đi ở tuổi 57, mang theo nhiều dự định sáng tác còn ấp ủ.

Sự ra đi đột ngột của anh để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho người thân, gia đình bạn bè và độc giả yêu mến anh.

Nhà thơ – Nhạc sĩ – Chiến sĩ Diệp Minh Tuyền vẫn sống cùng đất nước, dân tộc với khúc quân hành vẫn mãi ngân vang.

Nguồn Tiền Giang