Việt Nam chủ trì hội nghị dầu khí lớn nhất khu vực

       Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà hội nghị ASCOPE (diễn ra từ ngày 28 đến 30/11/2013) với khoảng 300 gian triển lãm và gần 500 đại biểu quốc tế tham dự nhằm thảo luận những vấn đề nóng bỏng về dầu khí.

Tại buổi họp báo về hội nghị và triển lãm Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) lần thứ 10 diễn ra chiều 18/7, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí cho hay, hội nghị được tổ chức tại TP HCM do PetroVietnam làm chủ tọa. Đây là lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà.

Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà hội nghị Ascope. Ảnh: Hoàng Lan.

Các công ty sẽ trưng bày và giới thiệu những trang thiết bị kỹ thuật dầu khí hiện đại nhằm phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác chế biến và vận chuyển dầu khí, hệ thống kiểm soát xử lý tự động… “Hội nghị cũng thảo luận những vấn đề nóng bỏng của ngành công nghiệp dầu khí. Ngoài 10 thành viên sẽ có nhiều công ty đa quốc gia, quốc tế tham dự”, ông Hậu cho hay.

Lãnh đạo PetroVietnam khẳng định, tại hội nghị các công ty cũng như tổ chức liên quan đến hoạt động dầu lửa sẵn sàng thương thảo hợp tác tuy nhiên chưa thể khẳng định cụ thể những hợp đồng nào sẽ được ký kết.

Trả lời báo giới xung quanh vấn đề biển Đông, ông Hậu cho hay, ASCOPE không phải nơi để thảo luận về các vấn đề tranh chấp biển Đông. Tuy nhiên, các thành viên trong Hội đồng dầu khí ASEAN sẽ bàn bạc để hợp tác thăm dò dầu khí ở vùng biển riêng rẽ hoặc tại các khu vực có thỏa thuận.

“Sau động thái mời thầu 9 lô dầu khí thuộc thềm lục địa của Việt Nam, PetroVietnam vẫn khai thác dầu khí bình thường vì địa điểm đó là của Việt Nam không cần bàn cãi”, ông Hậu khẳng định với VnExpress.net.

Hội nghị ASCOPE là sự kiện dầu khí có uy tín lớn nhất trong khu vực ASEAN được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị lần thứ 9 được tổ chức tại Thái Lan.

       Hội đồng dầu khí ASEAN bao gồm 10 công ty dầu khí quốc gia/Cơ quan quản lý dầu khí: Công ty Dầu khí Quốc gia Bruinei (PetroleumBRUNEI), Cơ quan Quản lý Dầu khí Campuchia (CNPA), Công ty Dầu khí Quốc gia Indonesia (Pertamina), Bộ Năng lượng và Mỏ Nước CHDCND Lào, Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE), Công ty Dầu Quốc gia Philippines (PNOC), Tập đoàn Keppel (Singapore), Công ty Dầu khí PTT (Thái Lan) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).