Ukraine đứng trước nguy cơ xảy ra thảm họa hóa học

Theo người phát ngôn nhà máy Stirol, Nga và Belarus có thể cũng phải hứng chịu ảnh hưởng nếu thảm họa hóa học xảy ra ở Ukraine.

RT ngày 11/8 dẫn lời phát ngôn viên của nhà máy hóa chất Stirol cảnh báo, Ukraine hiện đang đứng trước nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường khi quân đội Chính phủ nước này tiếp tục ném bom, bắn phá khu vực Donetsk bởi hành động này có thể gây ảnh hưởng đến nhà máy hóa chất lớn nhất của Ukraine – nơi chứa nhiều loại chất độc chết người.

 


Nhà máy hóa chất Stirol ở thị trấn Gorlovka thuộc vùng Donetsk (Ảnh: Reuters)

 

Trong suốt 3 tuần qua, quân đội Ukraine đã bắn phá ác liệt thị trấn Gorlovka thuộc vùng Donetsk, nơi đặt nhà máy hóa chất Stirol. Theo người phát ngôn nhà máy này, nếu sự cố xảy ra, vùng chịu tác động tối thiểu có thể lên đến 300km.

Pavel Brykov, một phát ngôn viên của nhà máy Stirol nói: “Do những hành động vô trách nhiệm của quân đội Ukraine, Nga và Belarus đang phải đối mặt với mối đe dọa chết người từ một thảm họa sinh thái mà hậu quả cũng như quy mô của nó không thể dự đoán trước”.

Theo ông Brykov, nếu sự cố xảy ra tại nhà máy hóa chất Stirol, điều đó có thể gây ra việc rò rỉ chất độc nitrochlorobenzene – loại chất độc có thể gây chết người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, chất độc này sẽ gây ảnh hưởng đến gan, tim và tủy xương gây ra cái chết.

Theo đánh giá, vùng chịu tác động tối thiểu có thể lên đến 300km khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Brykov, các phương tiện truyền thông Ukraine đã không đề cập hoặc “cố tình im lặng” trước rủi ro có thể xảy ra.

Stirol là nhà máy thuộc công ty OSTCHEM do doanh nhân người Ukraine Dmitry Firtash làm chủ sở hữu. Trước đó, ông Firtash từng bác bỏ nguy cơ xảy ra thảm hỏa vì nhà máy hóa chất Stirol không lưu trữ các tác nhân độc hại gây chết người.

Ông Firtash cũng nói thêm rằng, kể từ hồi tháng 5/2014, khi các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine vào khu vực này diễn ra, nhà máy đã ngừng quá trình tổng hợp, xử lý các hóa chất độc hại và sơ tán toàn bộ công nhân đến khu vực an toàn.

Theo RT, trong các cuộc tấn công chống lại lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine, quân đội Chính phủ đã sử dụng các loại tên lửa như Grad và Uragan. Nếu bắn vào thành phố mà không đảm bảo độ chính xác có thể sẽ dẫn đến thương vong cho dân thường cũng như làm tăng nguy cơ xảy ra một thảm họa hóa học.

Gần đây nhất, hôm 7/8, một nhà thờ Chính thống giáo ở Gorlovka đã bị thiêu rụi sau khi trúng đạn pháo của quân Chính phủ Ukraine.

Theo thống kê, các cuộc giao tranh đang diễn ra ở miền Đông Ukraine đã làm ít nhất 1.300 người thiệt mạng và hơn 4.000 người khác bị thương. Ngoài ra còn có khoảng 118.000 người buộc phải đi sơ tán và 740.000 người khác phải chạy sang Nga lánh nạn.

Năm 2013, một sự cố xảy ra ở nhà máy hóa chất Stirol đã giết chết 6 người và làm bị thương 26 người khác khi khí độc thoát ra ngoài môi trường trong lúc sửa chữa, bảo trì thiết bị. Sự việc này chắc chắn là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về một thảm họa môi trường có thể xảy ra nếu Stirol bị trúng đạn pháo./.

Hùng Cường/VOV.VN