UBND tỉnh họp trực tuyến, triển khai tạm dừng phương án “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp

(THTG) Ngày 29-7, ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị trực tuyến về thực hiện phương án “3 tại chỗ” với các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

UBND tinh hop 3 tai cho 1

Ông Nguyễn Nhật Trường – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Liêm

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang, toàn tỉnh có 72/186 doanh nghiệp đang áp dụng phương án “3 tại chỗ”, với hơn 12.000 lao động. Đến thời điểm này, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, vì nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, còn chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát người lao động. Thực tế đã xảy ra các ổ dịch lớn nhỏ trong khu công nghiệp và gần đây nhất là ổ dịch Công ty cổ phần Gò Đàng với 180 ca dương tính với SARS CoV-2.

Phát biểu với các doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến, ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và qua thực tế thực hiện phương án “03 tại chỗ” của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh nhiều ổ dịch, do đó việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp là cần thiết, nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 4093 về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 05/8/2021 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian từ ngày 29/7/2021 đến ngày 04/8/2021, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp; có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi tạm dừng hoạt động.

UBND tinh hop 3 tai cho 4

UBND tinh hop 3 tai cho 2

Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trần Liêm

Ngoài ra, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện hoàn thành việc xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho tất cả công nhân, người quản lý chậm nhất ngày 04/8/2021. Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Ban quản Quản lý các Khu công nghiệp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các đơn vị có liên quan tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp, người lao động về chủ trương của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, cũng theo dõi lập danh sách cụ thể công nhân, người lao động sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, thông báo về địa phương trong và ngoài tỉnh để theo dõi, quản lý công nhân khi trở về địa phương.  Đối với các doanh nghiệp có F0, ca nghi nhiễm: thực hiện theo quy trình xử lý tại Kế hoạch số 154 ngày 15/6/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang.

Thanh Xuân