Tuổi thọ của người dân trên thế giới tăng thêm 6 năm

Theo một nghiên cứu thống kê được công bố trên tạp chí y tế của Anh The Lancet ngày 18/12, con người đang sống lâu hơn, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Tuổi thọ của người dân trên toàn cầu đã tăng trung bình 6 tuổi kể từ năm 1990.

Tuổi thọ của phụ nữ đã tăng 6,6 năm trong giai đoạn 1990 – 2013. (Ảnh: Khánh Linh)

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thống kê được cung cấp bởi 188 quốc gia cho thấy tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi vào năm 1990 lên 71,5 tuổi vào năm 2013. Tuổi thọ của nam giới tăng trung bình 5,8 tuổi trong giai đoạn 1990 – 2013, trong khi tuổi thọ của phụ nữ tăng mạnh hơn, trung bình là 6,6 tuổi.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Christopher Murray cho biết: “Nhiều tiến bộ đã được thực hiện đối với một số lượng lớn các bệnh và chấn thương, song chúng ta có thể và phải làm tốt hơn nữa”. Các tiến bộ đáng kể nhất đã được ghi nhận ở một số nước đang phát triển như: Nepal, Rwanda, Ethiopia, Niger, Iran… nơi tuổi thọ đã tăng hơn 12 năm. Khu vực phía Nam châu Phi là một ngoại lệ vì đại dịch AIDS, trong đó tuổi thọ chỉ tăng trung bình 5 tuổi ở Nam Phi, Botswana và Namibia.

Ở các nước giàu, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc giảm số người tử vong do ung thư và bệnh tim mạch có thể làm tăng tuổi thọ. Trong khi đó, tại các nước nghèo, những tiến bộ có thể được giải thích chủ yếu là do sự suy giảm tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh tiêu chảy, bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt rét và tiêu chảy vẫn là nguyên nhân chính gây tử vong và mỗi năm tiếp tục cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 5 tuổi.

Tuy nhiên, xu hướng tăng tuổi thọ cũng đồng thời với việc tăng số người mắc các căn bệnh hoặc rối loạn nhất định trong các nguyên nhân gây tử vong, đặc biệt là ung thư gan do viêm gan C (+ 125%), rối loạn nhịp tim nghiêm trọng (+100%), các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc (+ 63%), suy thận mãn tính (37%) và bệnh tiểu đường (+ 9%).

“Sự gia tăng rất lớn trong hoạt động tập thể và kinh phí đối với các bệnh truyền nhiễm chủ yếu như tiêu chảy, bệnh sởi, bệnh lao, HIV/AIDS và sốt rét đã có một tác động thực sự” – Tiến sĩ Murray đánh giá. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy rằng nhiều căn bệnh mãn tính vẫn bị bỏ sót và đang tăng lên, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe liên quan đến ma túy, xơ gan, tiểu đường và suy thận mãn tính”./.

Nguồn ĐCSVN