Trung Quốc liên tục giảm mạnh tỷ giá đồng NDT

Việc PboC hạ giá NDT cho thấy Trung Quốc khó tăng cường vai trò tiêu dùng nội địa và vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu.




Ngày 13/8, Ngân hàng Trung Quốc (PBoC) tiếp tục điều chỉnh hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD thêm 1,11% so với phiên trước, theo đó tỷ giá được ấn định ở mức 6,4010 NDT/USD, so với mức 6,3306 NDT/USD của ngày 12/8, đánh dấu ngày điều chỉnh thứ ba liên tiếp. Ngày 11/8, PBoC bắt đầu đợt điều chỉnh tỷ giá NDT xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 3 năm qua.

Quyết định thay đổi chính sách tỷ giá của Bắc Kinh đã tác động lớn đến nhiều thị trường, gây tổn thương cho đồng AUD của Australia và đồng NZD của New Zealand.

Tại Nhật Bản, chỉ số chứng khoán đã lao xuống mức thấp nhất trong một tháng qua. Dư luận lo ngại rằng đồng NDT yếu hơn sẽ làm giảm sức chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán lẻ.

Tại Ấn Độ, đồng NDT giảm giá đã tác động mạnh đến đồng rupee, đẩy đồng nội tệ của Ấn Độ xuống còn 64,77 rupee/USD chiều 12/8, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Nó làm cho đầu tư vào Trung Quốc rẻ hơn và khiến nhà đầu tư nước ngoài “né tránh” Ấn Độ. Thêm vào đó, lĩnh vực xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng, thâm hụt thương mại Ấn-Trung có thể nới rộng,

Thị trường chứng khoán Đức cũng bị tác động tiêu cực. Chỉ số DAX đã tụt xuống mức gần như thấp nhất trong năm nay do những quan ngại về hoạt động xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc. Giá cổ phiếu một số tập đoàn lớn mất giá thảm hại, như VW (Volkswagen), Daimler và BASF mất giá tới 30%.

Ngày 12/8, tại Pháp, chỉ số CAC 40 giảm 3,4% trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh cũng mất 1,4% giá trị.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho rằng đồng NDT yếu có thể có lợi cho Hàn Quốc vào lúc này. Nếu xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng thì có thể làm cho nhu cầu về các loại hàng bán thành phẩm do Hàn Quốc sản xuất cũng tăng theo.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hoan nghênh quyết định trên của PBoC, cho rằng động thái này sẽ cho phép các lực lượng của thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá. Người phát ngôn PBoC bày tỏ hy vọng trong hai hoặc ba năm tới, Trung Quốc sẽ đạt tới hệ thống tỷ giá thực sự theo diễn biến thị trường.

Liệu có thể khởi động một cuộc “chiến tranh tiền tệ”?

Động thái thay đổi chính sách tiền tệ của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về cuộc “chiến tranh tiền tệ” giữa các nước.

Theo giới phân tích, một lý do đằng sau quyết định của PBoC là để hỗ trợ xuất khẩu, sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu trong tháng 7 của Trung Quốc giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu yếu đi tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Động thái gây bất ngờ của PBoC đánh dấu lần xuống giá mạnh nhất của đồng NDT kể từ khi Trung Quốc cải cách hệ thống tiền tệ vào năm 2005, khi bỏ việc neo đồng NDT vào đồng USD. Theo Liu Dongmin, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu tài chính quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một sự điều chỉnh hợp lý đối với đồng NDT là tốt cho xuất khẩu cũng như nỗ lực đưa đưa đồng tiền này vào giỏ các đồng tiền tạo thành tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng điều quan trọng nhất là điều đó cho thấy tiến triển lớn trong việc cải cách tỷ giá đồng NDT và một bước lớn cho việc thị trường hóa đồng tiền này.

Trung Quốc quản lý tỷ giá thông qua việc đặt ra tỷ giá tham chiếu với biên độ dao động 2%, cho phép tỷ giá biến động theo cung cầu, nhưng ngăn chặn tình trạng biến động mạnh làm ảnh hưởng đến các giao dịch. Điều này là khác biệt so với các động tiền mạnh khác đang được giao dịch tự do, như đồng USD và đồng euro.

Mỹ từ lâu vẫn cho rằng đồng NDT được định giá thấp hơn giá trị của nó để tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Mỹ có thể phản đối trước động thái mới nhất của PboC, bởi đồng NDT xuống giá sẽ gây sức ép lên Mỹ, quốc gia vốn vẫn muốn một xu hướng ngược lại.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, tỷ phú bất động sản Donald Trump – hiện là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, chính khách lâu nay vẫn chỉ trích chính sách hối đoái của Trung Quốc – cảnh báo việc Bắc Kinh phá giá đồng NDT “sẽ là một thảm họa” đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, động thái điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng NDT sẽ gần như không gây ảnh hưởng nhiều đến dự định tăng lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed có thể lùi thời gian tăng lãi suất trong tháng 9.

Tuy nhiên, giảm giá đồng NDT có thể sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn, gây bất ổn hệ thống tài chính của Trung Quốc. Động thái hạ tỷ giá của PBoC khiến nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng tăng cường vai trò của tiêu dùng nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu hay không./.

Nguồn Tổ quốc