Trung Quốc chuẩn bị lùa hàng chục ngàn tàu cá ra biển Đông

Chinanews ngày 1-8 đưa tin, hàng chục ngàn tàu cá tại 3 tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và đang chờ lệnh cấm đánh bắt cá hết hiệu lực để tiến ra biển Đông. Lệnh cấm này được Trung Quốc đơn phương cấm từ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bão Nida đang tiến vào biển Đông, chỉ những tàu đánh bắt gần bờ mới ra khơi. Những tàu đánh bắt xa bờ sẽ khởi hành sau ngày 5-8.

                        Tàu cá Trung Quốc chờ ra khơi ở tỉnh Quảng Đông ngày 1-8-2016

Trung Quốc đe dọa cả Mỹ và các đồng minh

Phán quyết hôm 12-7 của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông đã nhận được sự lên tiếng ủng hộ của nhiều nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại phủ nhận và tuyên bố đi theo con đường đàm phán song phương với các bên liên quan. Trong lúc cuộc đàm phán giữa Trung Quốc – Philippines chưa thể diễn ra do Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA là điều kiện đàm phán, thì hãng tin Reuters ngày 31-7 dẫn các nguồn tin cho biết đang có một sức ép từ các nhân tố trong quân đội đòi có biện pháp đáp trả mạnh hơn đối với phán quyết trên, thậm chí bằng vũ trang để đối phó với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Cũng ngày 31-7, tờ Global Times của Trung Quốc đã lớn tiếng đối với Australia vì cho rằng Australia đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA về biển Đông. Trong một bài xã luận, tờ báo của Trung Quốc này đã đe dọa rằng Australia sẽ là “một mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh cáo và tấn công” nếu tiến vào vùng biển Đông đang tranh chấp. Bài xã luận đã đả kích tuyên bố chung của Australia cùng với Mỹ và Nhật Bản hôm 25-7, bên lề Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở Lào, kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp thêm đất đai trong vùng đang có tranh chấp ở biển Đông.

Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney, sự thóa mạ và xúc phạm Australia cũng như lời lẽ đe dọa “đã tăng lên nhiều bậc”, thể hiện ý muốn bắt nạt Australia của Trung Quốc. Tuy vậy, ông Graham cho rằng, bài xã luận trên không đáng để Australia có phản ứng chính thức.

Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng sau phán quyết

Lần đầu tiên kể từ khi PCA ra phán quyết về biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp phối hợp mang tính xây dựng để giải quyết các bất đồng. Trả lời phỏng vấn báo Strait Times ngày 1-8, qua email, Tổng thống Obama nêu rõ: “Mỹ cho rằng mọi quốc gia cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tuân thủ luật pháp về hành xử ở biển Đông. Đó là vì lợi ích của tất cả chúng ta, của Mỹ, của Trung Quốc và cả thế giới. Những thông lệ, quy tắc này là một phần kiến tạo ổn định ở khu vực và cho phép các quốc gia ở khu vực, trong đó có Trung Quốc, phát triển và thịnh vượng”…

Theo giới quan sát, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rõ sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ và lo lắng về phản ứng của thế giới. Do vậy, sẽ không có bất kỳ động thái mạnh nào trước khi Trung Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới tại Hàng Châu.

Nguồn SGGP Online