Tổng thống Obama thăm chính thức Cuba

Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ đã đến Cuba để bắt đầu chuyến thăm 2 ngày từ 20-22/3.

Đây là chuyến thăm thứ hai của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới đảo quốc Caribe này trong 88 năm.

Sự kiện này được cho là dấu mốc quan trọng, kết thúc giai đoạn quan hệ thù địch giữa 2 nước kể từ Cách mạng Cuba năm 1959 và mở ra một cơ hội để tiến tới tương lai.

01

Cuba và Mỹ đã tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao hồi tháng 12/2014 (Nguồn: Internet)

Tháp tùng ông Obama trong chuyến thăm này bao gồm một đoàn các lãnh đạo tập đoàn của Mỹ, các nghị sĩ và các doanh nhân người Mỹ gốc Cuba. Đáng chú ý, ít nhất 5 nghị sỹ của Đảng Cộng hòa, đã bày tỏ sự ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ thương mại với Cuba đã tuyên bố tham dự sự kiện này.

Tổng thống Obama dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày 21/3 với Chủ tịch Raul Castro cùng các quan chức chính phủ khác. Đồng thời, các sự kiện gặp gỡ có sự tham gia của giới doanh nghiệp và xã hội dân sự Cuba cũng sẽ được tổ chức để tập trung vào cách Mỹ có thể giúp đỡ các công ty và người dân Cuba.

Thư kí báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông Obama đang truyền đi một thông điệp rộng rãi thông qua chuyến thăm rằng “Mỹ đang thực hiện các bước đi thích hợp để bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Cuba.”

Tập trung vào kinh tế

Theo WSJ, trọng tâm chính của chuyến thăm sẽ là các cam kết kinh tế và mối quan hệ văn hóa giữa Mỹ và Cuba.

“Tổng thống hi vọng vào một cơ hội để cố gắng làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng tôi với Cuba, từ đó nỗ lực tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế hiệu quả hơn giữa hai nước”, ông Josh Earnest cho biết tại một cuộc họp với các phóng viên.

Trước đó, Mỹ đã có hàng loạt nới lỏng đối với Cuba như khôi phục dịch vụ bưu chính- điện thoại trực tiếp giữa hai nước, ký bản ghi nhớ về hợp tác trắc địa và thủy văn. Mỹ xóa tên Cuba khỏi danh sách những quốc gia không có đủ các biện pháp đảm bảo an ninh tại bến cảng, tạo thuận lợi cho sự đi lại giữa hai  nước, cho phép Cuba tiếp cận dễ dàng hơn các thực thể tài chính của Mỹ và cho phép sử dụng đồng USD trong các giao dịch tại Cuba.

Sự thành công của ông Obama trong chính sách với Cuba sẽ phụ thuộc vào cách phản hồi của hòn đảo này đối với các mục tiêu chủ chốt của Mỹ, bao gồm quyền tự do hơn cho các công ty nước ngoài thuê nhân công Cuba và mở rộng khả năng tiếp cận đối với các lĩnh vực công nghệ và truyền thông, bao gồm cả các dịch vụ Internet và điện thoại.

Và trong phạm vi rộng lớn, các quan chức chính quyền nhấn mạnh các bằng chứng về sự hợp tác ​​sẽ đến trong tương lai. Việc mở rộng giao lưu thương mại và văn hóa giữa hai nước sẽ mang lại sự thay đổi vĩnh viễn.

Sự đáp lại của Cuba

Ngày 17/3, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez tuyên bố Chính phủ nước này sẽ xóa bỏ loại thuế 10% đánh vào đồng USD được đưa vào nước này. Nước này cũng phóng thích một số tù nhân chính trị mà Mỹ cho rằng không nên bi giam giữ. Chính phủ Cuba cũng đồng ý để truyền hình trực tiếp bài phát biểu của ông Obama, được thực hiện ngày 22/3 tại trung tâm La Habana.

Người dân Cuba cũng đã hết sức vui mừng trước chuyến thăm này. “Ông Obama là tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, do đó ông ấy hiểu những khó khăn của người dân Cuba”, Joaquin Garcia, một bảo vệ an ninh tại La Habana cho biết.

“Ông Obama đã rất dũng cảm khi đồng ý nối lại quan hệ với Cuba”, giáo viên trung học Elena Gonzalez, 43 tuổi cho biết. Và “chuyến thăm này là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của cả hai nước”, theo cư dân Walter Garcia 78 tuổi.

Còn khác biệt

Theo Reuters, khác biệt chính giữa hai nước vẫn đang tồn tại, đặc biệt là lệnh cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt với Cuba trong suốt 54 năm qua, vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông Obama hiện mới chỉ có thể sử dụng quyền hành pháp để nới lỏng hạn chế thương mại và du lịch với Cuba. Còn Quốc hội Mỹ, hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số vẫn kiên quyết tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận này.

Một số yếu tố khác là vấn đề vịnh Guantanamo – chủ đề mà ông Obama đã nói là “không phải thứ để mang ra thảo luận” và việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho những nhà hoạt động bất đồng chính kiến và các hoạt động truyền thông chống phá Nhà nước Cuba.

Về phía Cuba, theo Ngoại trưởng Bruno Rodriguez ngày 17/3, hai bên sẽ không đề cập đến vấn đề cải cách chính trị và kinh tế ở Cuba, “Trong mối quan hệ với Mỹ, Cuba sẽ tuyệt đối không đặt lên bàn đàm phán vấn đề tiến hành những cuộc cải cách trong nước.”

 

Nguồn Toquoc.vn