Chợ Gạo phát huy lợi thế các sản phẩm OCOP

(THTG) Tính đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã có 33 sản phẩm được UBND tỉnh và UBND huyện công nhận sản phẩm OCOP, được chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025, đã làm tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trứng gà ác của Công ty TNHH thương mại và chăn nuôi Hoàng Gia Huy. Ảnh: Võ Duy

Điển hình nhất là sản phẩm trứng gà ác của Công ty TNHH thương mại và chăn nuôi Hoàng Gia Huy, ấp An Lạc B, xã Lương Hòa Lạc. Với tổng đàn gà ác khoảng 100.000 con, mỗi ngày, trại này thu hoạch khoảng 80.000 trứng. Do được nuôi đúng chuẩn an toàn sinh học từ con giống tốt, chuồng trại hợp vệ sinh đến chọn lựa thức ăn không kháng sinh, không chất cấm, nhất là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc thú y nên chất lượng trứng đạt an toàn thực phẩm. Từ các ưu điểm này, năm 2023, trứng gà ác của Công ty được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra triển vọng tiêu thụ lạc quan trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trà mãng cầu Phụng Tiên. Ảnh: Võ Duy

Một sản phẩm OCOP khác của huyện Chợ Gạo cũng đang giữ vị thế top đầu trên thị trường hiện nay là Trà mãng cầu Phụng Tiên của Hợp tác xã sản xuất thương mại nông nghiệp Bình Phan. Xuất phát từ tiềm năng cây mãng cầu xiêm có hương vị độc đáo và tính dược liệu đặc trưng đang được trồng nhiều tại địa phương, anh Nguyễn Văn Phụng mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất trà mãng cầu và 7 năm qua, trà mãng cầu Phụng Tiên không ngừng nâng cao chất lượng, ngày càng hoàn thiện hơn về hương vị, về mẫu mã và điểm nhấn là được huyện Chợ Gạo công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng với sản lượng đạt 500kg trà sợi một ngày, kế hoạch của Hợp tác xã là sản xuất thêm trà mãng cầu túi lọc và trà gừng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người thưởng trà.

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, cùng với tuyên truyền, vận động chủ thể tích cực tham gia mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, huyện Chợ Gạo đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời khuyến khích chủ thể mạnh dạn phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, vừa tạo việc làm cho lao động vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là đồng hành cùng các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển bền vững và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu để sản phẩm OCOP làm hài lòng người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Kim Nữ