Tìm giải pháp cân bằng Quỹ hưu trí dài hạn

Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, trong đó, bảo hiểm hưu trí chính là nền móng. Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra cảnh báo về khả năng thâm hụt và mất cân đối Quỹ hưu trí trong tương lai gần.

 
     Tỷ lệ lao động tham gia BHXH còn rất thấp (Ảnh minh họa: Petrotimes.vn)

Làm thế nào để cân bằng Quỹ hưu trí ở Việt Nam? Vấn đề này một lần nữa được các chuyên gia mổ xẻ tại Hội thảo “Chính sách bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức sáng nay 6/9, tại Hà Nội.

Nguyên nhân nào khiến Quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân bằng ?

Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) hưu trí là quỹ dài hạn, theo quy định từ năm 1995, thu để chi trả cho người hưởng chế độ từ năm 1995 trở đi (người hưởng lương hưu, trợ cấp tuất trước năm 1995 hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm, số này ngày càng giảm do chết dần). Vì vậy, từ năm 1995 cho đến năm 2012, hàng năm, số thu cho Quỹ này đều lớn hơn số chi (từ năm 2010 do quy định tăng mức đóng nên tỷ lệ chi/thu giảm).

Tuy nhiên, những năm tới, số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ BHXH càng nhiều. Số chi từ Quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần Quỹ sẽ mất cân đối.

Làm rõ nhận định trên, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, dự tính tình hình cân đối chung Quỹ này như sau: Đến năm 2023, số thu bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm, phải sử dụng thêm số kết dư mới đảm bảo đủ chi. Đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.

Bà cũng đưa ra dự tính, nếu tính quỹ riêng của từng cá nhân đóng – hưởng, thì lao động nam là chuyên viên đóng BHXH 31 năm, nghỉ hưu đủ 60 tuổi thì số tiền đóng (kể cả lãi) chỉ đủ chi trong 10 năm hưởng lương hưu (thiếu trên 3 năm).

Lao động nữ chuyên viên đóng BHXH 25 năm, nghỉ hưu đủ 55 tuổi thì số tiền đóng (kể cả lãi) chỉ đủ chi trong 7 năm hưởng lương hưu (thiếu gần 11 năm).

Lao động nam là lao động ngoài quốc doanh đóng BHXH 31 năm, nghỉ hưu đủ 60 tuổi thì số tiền đóng (kể cả lãi) đủ chi lương hưu là 13 năm;

Lao động nữ là lao động ngoài quốc doanh đóng BHXH 25 năm, nghỉ hưu đủ 55 tuổi thì số tiền đóng (kể cả lãi) chỉ đủ chi trong 10 năm hưởng lương hưu (thiếu 8 năm);

Đối với lực lượng vũ trang chỉ đủ chi 10 năm đối với nam (thiếu 8 năm) và đủ chi gần 11 năm đối với nữ (thiếu 12 năm).

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất cân bằng Quỹ, bà Đỗ Thị Xuân Phương cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành còn thấp so với tình hình chung trên thế giới và trong tình hình tuổi thọ trung bình của nước ta ngày càng tăng đã làm thời gian trả lương hưu sẽ kéo dài (theo số liệu thống kê năm 2012, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu chết là 73,04 tuổi, trong đó nam là 73,95 tuổi, nữ là 71,2 tuổi). Như vậy, thời gian trả lương hưu tương đối dài, bình quân là gần 20 năm (73 tuổi – 53,2 tuổi), trong đó nam là 19 năm, nữ là 20 năm.

Bên cạnh đó, quy định tuổi nghỉ trước tuổi quá rộng và quản lý giám định mức suy giảm khả năng lao động còn chưa chặt chẽ, nên thời gian trả lương hưu cho đối tượng này dài, trong khi thời gian đóng vào quỹ BHXH ít.

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, quy định giảm tuổi nghỉ hưu để giải quyết các chính sách khác mà không quy định bù vào số tiền đáng ra phải đóng BHXH và hưởng lương hưu do nghỉ hưu sớm hơn so với quy định cũng là một trong những nguyên nhân.

Về mức hưởng, quy định cách tính lương hưu còn rộng, chưa phù hợp nên dễ đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa; trừ tỷ lệ % lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tuổi còn thấp; mức hưởng trợ cấp tuất một lần cao.

Về đầu tư Quỹ, chính sách về đầu tư Quỹ BHXH theo quy định tuy chặt chẽ, an toàn, nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao…

Cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn giải pháp phù hợp

Để kịp thời khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, hướng tới xây dựng hệ thống BHXH bền vững, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tháng 8/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) đã lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra nhiều phương án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, sẽ sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo hướng quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng, trong đó, có hai phương án. Phương án 1 là từ năm 2016 trở đi, đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Đồng thời, điều chỉnh quy định về độ tuổi để hưởng lương hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động (tăng thêm 5 tuổi so với quy định hiện hành).

Về tỷ lệ hưởng lương hưu, sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH.

Sửa đổi quy định tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng chỉ giải quyết BHXH một lần đối với người lao động đã hết tuổi lao động, mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hợp pháp

Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, dự thảo đề xuất hai phương án. Phương án 1, giữ như quy định hiện hành, tức khu vực theo chế độ tiền lương nhà nước thì điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ. Khu vực theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ (CPI). Phương án 2, đề nghị quy định điều chỉnh theo CPI áp dụng chung cho các đối tượng.

Những sửa đổi, đề xuất trên trong dự thảo Luật cũng chính là những giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất, phân tích. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu, khảo sát toàn diện cho những đề xuất về tăng tuổi về hưu, điều chỉnh mức hưởng và mức đóng… Bởi mỗi giải pháp này, bên cạnh những yếu tố tích cực thì không thể không kể đến những hệ lụy trên các khía cạnh kinh tế – xã hội, đòi hỏi cần được đo đếm, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn giải pháp phù hợp với Việt Nam.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội (khóa XIII), dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2014) và thông qua vào Kỳ họp thứ tám (cuối năm 2014). Với phạm vi tác động xã hội rộng lớn tới mọi người lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt và lâu dài, đây chắc chắn sẽ là một dự án Luật đầy thách thức mà việc điều chỉnh về chính sách, pháp luật đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng tầm nhìn và chiến lược rõ ràng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách bảo hiểm xã hội đã khó, nhưng cải cách hệ thống hưu trí còn khó hơn nhiều, do hệ thống hưu trí phụ thuộc rất nhiều nhân tố đầu vào. Rõ ràng, đây là một bài toán khó đặt ra về phương diện hoạch định chính sách và đòi hỏi phải có những phương án khác nhau, để từ đó có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất./.