Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Mê Công – Nhật Bản

      Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Nô-đa I-ô-si-hi-cô (Noda Yoshihiko), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ tư tổ chức tại Tô-ky-ô, Nhật Bản từ ngày 20-21/4/2012.  

      

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: Mạnh Hùng) 

Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển thực chất và sâu rộng. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hội nghị Cấp cao lần này khẳng định quyết tâm của các nước Mê Công và Nhật Bản trong việc thúc đẩy hợp tác Mê Công - Nhật Bản vì sự thịnh vượng và ổn định và phát triển bền vững ở khu vực Mê Công nói riêng và Đông Á nói chung.

Hội nghị lần này sẽ tập trung vào các nội dung như: Kiểm điểm lại việc thực hiện Chương trình hành động 63, Sáng kiến hợp tác Kinh tế - Công nghiệp và Sáng kiến thập kỷ Mê Công Xanh; Hội nghị cũng thảo luận các phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác Mê Công - Nhật Bản cho giai đoạn 2013-2015. Tại Hội nghị lần này, dự kiến các nhà Lãnh đạo sẽ thông qua Chiến lược Tokyo làm nền tảng cho hợp tác Mê Công - Nhật Bản giai đoạn mới, với trọng tâm là thúc đẩy tính kết nối của tiểu vùng Mê Công, hợp tác cùng phát triển giữa các nước Mê Công và Nhật Bản, hợp tác bảo đảm an ninh con người và bảo vệ môi trường; thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu về các phương hướng hợp tác Mê Công - Nhật Bản giai đoạn tới cũng như nêu các ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản, trong đó có vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Nhằm tăng cường hơn nữa kết nối trong khu vực Mê Công, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ nêu sáng kiến mới về phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển. Sáng kiến sẽ đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực như: giúp khai thác hiệu quả hơn hệ thống đường bộ, hành lang giao thông và giảm tải các trục giao thông chính; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải; góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Mê Công - Nhật Bản, khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực và trong hợp tác Mê Công - Nhật Bản, củng cố quan hệ hữu nghị với các nước tiểu vùng Mê Công, đồng thời tăng cường mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao đã đạt được giữa hai nước.

Việt Nam đã tham gia tích cực và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của cơ chế hợp tác Mê Công-Nhật Bản ngay từ ngày đầu cơ chế này được thành lập (2007). Nhiều dự án quan trọng đã được triển khai trong khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản, điển hình như: dự án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng (dự án thí điểm hợp tác công tư); dự án xây dựng trung tâm đào tạo nghề Mê Công - Nhật Bản; dự án thành lập trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng tại Việt Nam; dự án hợp tác khu vực về Quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan khu vực Mê Công, xây dựng một số tuyến đường cao tốc. Việt Nam cũng đã cử nhiều cán bộ trẻ tham dự các chương trình giao lưu nhân dân tại Nhật Bản, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước Mê Công khác.

Trong thời gian làm việc tại Tokyo, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Noda I-ô-si-hi-cô; phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản, tham dự hoạt động do Hoàng gia Nhật Bản tổ chức; tiếp xúc với đại diện Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI); tiếp lãnh đạo một số tổ chức như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC); tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Nhật Bản…/.