Tiền Giang phát triển nuôi dê thích ứng với hạn mặn

(THTG) Từ mùa khô lịch sử năm 2020 đến nay, các dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ trên 3.000 con dê giống cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng tổng số dê của toàn tỉnh lên gần 75.000 con và là vật nuôi được ngành chuyên môn khuyến khích nông dân mạnh dạn phát triển vì khả năng chống chịu hạn mặn cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhu cầu tiêu thụ dê luôn cao nên Tiền Giang đẩy mạnh phát triển đàn dê. Ảnh: Minh Nguyên

Huyện Tân Phú Đông có số lượng dê nhiều nhất, hơn 18.000 con, kế đến là huyện Gò Công Đông có gần 15.000 con, huyện Gò Công Tây có khoảng 10.000 con,…Để bảo vệ đàn dê trước áp lực dịch lở mồm long móng, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 4848 của UBND tỉnh tiêm phòng miễn phí vacxin lở mồm lở móng cho đàn dê hiện có trong dân. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho dê như: xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, chọn con giống chất lượng cao, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê,…

Hiện giá bán dê hơi dao động từ 90 đến 100 ngàn đồng/kg, tăng trên 10.000 đồng/kg so với cùng kì năm trước và nhu cầu tiêu thụ của thị trường luôn cao nên nông dân tỉnh Tiền Giang, nhất là các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công vẫn đang tiếp tục phát triển đàn dê. Bởi vì đây còn là loại vật nuôi ít bị dịch bệnh, dễ tiêu thụ, nhất là tận dụng đồng cỏ và phế phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn nên vốn đầu tư thấp./

Kim Nữ