Thương mại biên giới đón đầu cơ hội phát triển mới

      Sáng 26/11, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban với 25 tỉnh, thành phố biên giới nhằm kiểm điểm tình hình và xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ quản lý hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP/Nguyên Linh

Theo Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển. Tổng kim ngạch XNK tính từ năm 2008 đến năm 2013 đạt trên 72 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trên 10%/năm. Kim ngạch XNK, trao đổi hàng hóa qua biên giới luôn chiếm tỷ trọng lớn so với tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và 3 nước có chung biên giới. Điển hình như tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tỷ trọng này là 30% hằng năm.

Hoạt động thương mại biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống dân cư biên giới. Hàng trăm chợ biên giới được xây dựng, phục vụ trao đổi hàng hóa và dịch vụ của người dân. Nhiều dự án xúc tiến thương mại biên giới, miền núi và hải đảo được tổ chức, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách, doanh thu nhiều tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thương mại biên giới cũng được quan tâm đầu tư cùng dịch vụ, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa, đường giao thông.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cũng kiểm điểm về tình hình hoạt động thanh toán và các mặt kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa qua biên giới. Hiện hoạt động thanh toán biên mậu tiếp tục được thực hiện phù hợp với Hiệp định thanh toán giữa Việt Nam và 3 nước láng giềng cùng quy định quản lý ngoại hối của NHNN. Hoạt động kiểm dịch động, thực vật qua biên giới, kiểm tra chất lượng hàng hóa đã được chú trọng với tỷ lệ tiến hành ngày càng cao.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại đặc thù trong công tác quản lý thương mại biên giới hiện nay. Đó là việc quản lý, điều hành chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về XNK nên chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế riêng của loại hình thương mại biên giới. Chính sách thương mại các nước có nhiều lúc thay đổi nên hoạt động XNK, trao đổi hàng hóa bị ảnh hưởng. Tại các cửa khẩu, lối mở, nhìn chung hạ tầng còn hạn chế, một số khu kinh tế cửa khẩu thiếu vốn đầu tư, dự án dở dang nên thu hút đầu tư, thương mại chưa thực sự khởi sắc.

Chú trọng phát huy những lợi thế riêng

Hoạt động thương mại biên giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống dân cư biên giới.

Theo các ý kiến, tham luận tại Hội nghị, trong thời gian tới, thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển thuận lợi như việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới, tác động ngày càng rõ rệt của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Dự báo thương mại biên giới sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn thời gian qua, đến năm 2015, với Trung Quốc đạt kim ngạch khoảng 16 tỷ USD, với Lào đạt 2 tỷ USD và Campuchia đạt trên 5 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới đã xây dựng và đề xuất một loạt kế hoạch, nhiệm vụ trong quản lý, thúc đẩy thương mại biên giới để đón đầu các cơ hội. Trong đó, sớm trình Chính phủ ban hành các cơ chế mới theo hướng phát huy được ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới, xây dựng Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đẩy mạnh xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Các ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc cần có sự phân định rạch ròi hoạt động thương mại biên giới với hoạt động chính thống, từ đó tách bạch cơ chế quản lý, điều hành để vừa quản lý chặt chẽ hoạt động XNK vừa đảm bảo sự linh hoạt, đặc thù của hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, rà soát, bổ sung kịp thời các chính sách, cơ chế phù hợp như nâng định mức miễn thuế nhập khẩu hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới phù hợp với từng tuyến.

Cần có chính sách thanh toán đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro theo hướng khuyến khích thanh toán qua ngân hàng và ưu đãi thanh toán bằng VND; nghiên cứu áp dụng chính sách quản lý đối với hoạt động mua gom hàng hóa của cư dân biên giới với các quy định về điều kiện thương nhân mua gom, thu thuế và các biện pháp quản lý khác.

Hội nghị cũng thống nhất các giải pháp hỗ trợ vốn để các địa phương triển khai hiệu quả các chợ biên giới theo quy hoạch, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại qua biên giới, phát triển phương thức kinh doanh, thanh toán phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ thương nhân thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt Nam từ vùng sản xuất đến khu vực biên giới, miền núi, vùng khó khăn.

Việt Nam có chung 4.510km đường biên giới với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở; 28 KKT cửa khẩu, 300 chợ biên giới, chợ cửa khẩu.

Nguồn Chính phủ