Thực trạng tín dụng đen và biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa

(THTG) Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp. Từ đó, kéo theo các hành vi vi phạm pháp luật như: đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và các hành vi phạm tội khác, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

Thời gian gần đây, lực lượng Công an các cấp ở Tiền Giang đã thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đã phát hiện, bắt, xử lý nhiều đối tượng cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 8-11, qua công tác nắm tình hình, Công an thị xã Cai Lậy tiến hành điều tra, bắt giữ đối tượng Tiêu Thu Thúy, sinh năm 1967, cư trú Khu phố 2, phường 5, thị xã Cai Lậy về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Tại Cơ quan điều tra, Thúy khai: Từ tháng 2 đến tháng 9-2023, Thúy cho một phụ nữ, cư trú trên địa bàn xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy vay tiền 16 lần với tổng số tiền 685 triệu đồng. Với lãi suất từ 365% đến 730%/năm, Thúy đã thu lợi bất chính từ người phụ nữ trên 540 triệu đồng.

Khi Thúy đến nhà người phụ nữ để thu tiền lãi thì bị Công an thị xã Cai Lậy bắt giữ. Tang vật thu giữ hơn 111 triệu đồng và các giấy tờ, sổ sách có liên quan đến việc cho vay tiền.

Nạn nhân cho biết:Em đóng hoài mấy tháng, không có tiền em mượn tiền của người khác em đóng, có khi em nợ lại cô Thúy, phần nợ đó cộng dồn lên, em mượn của ngươi khác trả cho cô Thúy tới khi người khác cần em cũng có mượn lại của cô Thúy trả cho người ta, cứ mượn qua mượn lại, cộng dồn cộng dồn riết em không có khả năng, cô Thúy thấy vậy kêu em ghi cho cô Thúy tờ giấy nợ tổng cộng em mượn, thiếu, lời lãi, vốn lên 570 triệu.

Ngoài người phụ nữ cư trú xã Long Khánh, Thúy thừa nhận đã cho nhiều người dân trên địa bàn thị xã Cai Lậy vay với hình thức tương tự. Công an thị xã Cai Lậy tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tiêu Thu Thúy.

Tờ rơi quảng cáo tín dụng đen được rải, dán ở nhiều góc đường. Ảnh: Trọng Tín

“Tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT địa phương. Khi đã trở thành con nợ của “tín dụng đen”, cuộc sống của nhiều người lâm vào bế tắc. Khi người vay không có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay dùng mọi thủ đoạn, từ việc gởi thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất đe dọa, khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội hoặc dùng điện thoại quấy rối, cho đến thuê người đến nhà đập phá, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà, bắt giữ người trái pháp luật để gây sức ép, buộc nạn nhân phải nợ.

Không chỉ người trực tiếp vay nợ bị khủng bố mà ngay cả người thân trong gia đình cũng bị các đối tượng đòi nợ đe dọa bằng mọi cách. Đơn cử như trường hợp của một phụ nữ, cư trú huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trước đây do làm ăn thua lỗ và thua cờ bạc trên mạng, con trai bà có vay 310 triệu đồng, lãi suất 10% tháng của Phạm Ngọc Hội, sinh năm 1979, cư trú ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, nhưng không khả năng chi trả. Hội đe dọa, gây áp lực, buộc người phụ nữ trả tiền thay. Ngày 01/8, Hội và 4 đối tượng hẹn gặp bà để nhận tiền thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Nạn nhân của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” không chỉ là những người làm ăn thua lỗ, những hoàn cảnh khó khăn mà còn có cả những đối tượng ham mê cờ bạc. Trong đó, cũng có không ít đối tượng, dù biết rằng khi vay mượn nợ sẽ không khả năng chi trả, nhưng vẫn vay, rồi bỏ trốn.

Phá chuyên án cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê tại Gò Công Tây. Ảnh: Trọng Tín

Như trường hợp của một thanh niên làm công nhân trong khu công nghiệp Long Giang. Do cần tiền tiêu xài, thanh niên này đã vay của 03 đối tượng cư trú trên địa bàn 2 huyện Tân Phước và Cái Bè với số tiền gần hơn 160 triệu đồng nhưng không trả và bỏ trốn. Sau đó, thanh niên này đã bị nhóm đối tượng phát hiện, khống chế, cưỡng đoạt 05 triệu đồng, đồng thời đưa về nhà đánh, ép viết giấy nợ 247 triệu đồng.

Nguyên nhân của thực trạng này, xuất phát từ nhận thức không đầy đủ về mức độ hành vi, cũng như các quy định của pháp luật liên quan. Một số tổ chức, cá nhân vì muốn nhanh chóng thu hồi nợ đã chọn cách thuê, mướn các đối tượng để đòi nợ.

Tuy nhiên, việc thuê mướn này dẫn đến những hậu quả mà người thuê không lường trước được. Khi thuê những đối tượng côn đồ với bản chất lưu manh, vượt khỏi tầm kiểm soát của người thuê, thì chính họ lại bị đối tượng mà họ thuê uy hiếp. Khi không đòi được nợ, đối tượng quay sang ép người thuê phải thanh toán theo hợp đồng.

Vào cuối tháng 5/2023, 05 đối tượng gồm: Hướng Văn Thành; Đỗ Bá Duy; Huỳnh Đỗ Hoàng Lộc; Lê Hoàng và Võ Thị Tường Vi, cùng cư trú thành phố Mỹ Tho được 02 người cư trú trên địa bàn huyện Tân Phước và huyện Cai Lậy thuê đòi 250 triệu đồng, với thỏa thuận: khi đòi được sẽ chia đôi. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này không làm theo thỏa thuận mà kiếm cớ đe dọa, hành hung và cưỡng đoạt  150 triệu đồng của người thuê chúng đòi nợ. Nhận tiền xong, bọn chúng tiếp tục đe dọa, yêu cầu đưa thêm 100 triệu đồng nữa. Hoảng sợ, người này hẹn đưa trước 60 triệu đồng. Khi đang nhận tiền thì 05 đối tượng này bị bắt giữ.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Công – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: “Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tỉnh và Công an các huyện, thành thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận những tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất cho phép để có khả năng thực hiện nhiệm vụ trả nợ, đồng thời rà soát, lên danh sách các đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để tập trung, áp dụng nhiều biện pháp để đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các đối tượng này, củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Lực lượng Công an đã và đang tập trung nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm liên quan “tín dụng đen”. Để phòng tránh hậu quả xấu từ “tín dụng đen”, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn, người dân khi có nhu cầu vay tiền thì nên đến ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép để làm thủ tục vay tiền, không nên vay mượn tiền từ các đối tượng bên ngoài, phòng tránh trường hợp các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

                                                                Hồ Sương