Thị trường lao động thế giới cần 600 triệu việc làm mới

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kết quả nghiên cứu về việc làm trên phạm vi toàn cầu, trong đó nhận định thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm và cuộc khủng hoảng này có thể đe dọa đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ảnh minh họa

Trong một nghiên cứu vừa công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Australia, WB cho biết thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm nữa cho đến năm 2030 để đối phó với dân số gia tăng.

Cũng theo báo cáo của WB, hiện có hơn 100 triệu người thất nghiệp tại các nước G20, trong khi đó, 447 triệu người tại các nước này sống với thu nhập ít hơn 2 USD/ngày, được coi là “lao động nghèo”.

Báo cáo cũng cho biết thị trường lao động yếu kém đang kéo tụt tiêu dùng và đầu tư. Tăng trưởng kinh tế chậm kéo dài lại tiếp tục gây áp lực lên triển vọng việc làm. Theo kết quả nghiên cứu nói trên, tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức thấp, lương thực tế tại nhiều quốc gia thành viên G20 đang dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi và kết quả tất yếu là ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ và đầu tư.

Một điều đáng lo ngại nữa là, bất bình đẳng về lương và thu nhập đang ngày càng gia tăng tại nhiều nước G20, bất chấp sự tiến bộ của Brazil hay Nam Phi. Nhìn chung, việc làm mới sẽ được tạo ra tại các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều hơn tại các nước phát triển nhất. Nhưng ngay cả đối với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, triển vọng của việc làm cũng không đáng lạc quan.

Mới đây, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20 đã nhất trí cho rằng thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm phải là ưu tiên hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu vốn đang đối mặt với tình trạng phục hồi “mong manh và không đồng đều”.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, số lượng người thất nghiệp trên thế giới đã tăng thêm 3,2 triệu và đạt mức 203,2 triệu người trong năm nay.

Đến năm 2019, với những xu hướng và chính sách hiện hành, thất nghiệp sẽ chạm ngưỡng 213 triệu. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất tại Bắc Phi và Trung Đông được dự đoán sẽ duy trì ở mức 12,3% và 11,1% trong năm 2014. Trong năm 2014, mức tăng tỉ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở khu vực Trung và Đông Nam châu Âu và các nước thuộc khối Liên Xô cũ (tỉ lệ thất nghiệp ở đây ước tính sẽ khoảng 8,3% vào năm 2014).

Theo ILO, trong vòng 5 năm tới, 90% công việc mới được tạo ra là ở các nước mới nổi và đang phát triển. Điều này được dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ đến các dòng di cư lao động. Hiện tại, di cư Nam-Nam đã tăng lên trong khi lao động cũng đang dần rời khỏi các nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở một số nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề, để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các nước đang phát triển.

Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm” của ILO chỉ ra rằng kể từ năm 2007 đến nay, những quốc gia chịu khó đầu tư nhiều vào việc làm có chất lượng từ những năm đầu thế kỷ 21 có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn gần 1% so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Chính điều này đã giúp làm giảm bớt những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008. Báo cáo cũng chỉ ra rằng đầu tư vào việc làm có chất lượng cao thường đi kèm với xu hướng giảm bất bình đẳng trong thu nhập./.

Nguồn Chính phủ