Thí sinh vẫn mê kinh tế

       Dù có dự báo từ 4-5 năm tới, sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế sẽ khó xin việc vì cung vượt xa cầu nhưng vẫn có đến 70% lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành này

Hai ngày trước khi kết thúc việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại trường THPT (15-4), thông tin từ nhiều trường THPT ở TPHCM cho thấy thí sinh vẫn ưa chuộng các ngành kinh tế hơn là các khối ngành khác.

Kinh tế bao hàm nhiều ngành

Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình), cho biết trước khi học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, trường đã tư vấn và nhắc nhở các em nên chọn những ngành học yêu thích và phù hợp với sức học của mình. Với nhóm ngành kinh tế, dự báo từ 4-5 năm tới, sinh viên tốt nghiệp sẽ khó xin việc vì cung vượt xa cầu. Tuy vậy, hiện vẫn có đến 70% lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành này.

Giải thích cho sự áp đảo của nhóm ngành kinh tế, ông Linh cho rằng đặc trưng của học sinh các trường dân lập là phần lớn sinh ra trong gia đình làm kinh doanh. Các em đăng ký vào nhóm ngành kinh tế trước hết để phục vụ nhu cầu của gia đình. “Trường đã cố gắng vận động nhưng các em vẫn tập trung vào nhóm ngành này, chỉ 10% nộp hồ sơ vào khối lực lượng vũ trang như quân đội, công an… và chỉ có một học sinh đăng ký vào sư phạm” – ông Linh nói.

Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) nộp hồ sơ tại trường để đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), cho biết học sinh ở trường vẫn có xu hướng thích ngành kinh tế. Hiện tại, trường đã nhận được 2.852 hồ sơ của 1.098 học sinh và trong số này, nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo với 1.275 hồ sơ, tương đương 45%. Tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế chiếm 40%, tỉ lệ này dù đã giảm so với năm 2011 (50%) nhưng vẫnáp đảo so với các nhóm ngành khác. Tại các trường khác như THPT Tân Bình (quận Tân Phú), THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), tỉ lệ hồ sơ đăng ký nhóm kinh tế vẫn cao nhất.

ThS Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp – Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết qua kết quả khảo sát của các trường, các hội nghị, hội thảo thì nhu cầu doanh nghiệp (vi mô) hay của toàn bộ môn kinh tế (vĩ mô) đều có thể nhận thấy kinh tế luôn được xem là lĩnh vực có nhu cầu cao về nhân lực ở hiện tại cũng như trong tương lai. Nói là kinh tế nhưng bao hàm rất nhiều ngành và chuyên ngành như kinh tế học, tài chính, ngân hàng, kế toán…Một số chuyên gia khác cho rằng nhiều trường đua nhau mở ngành kinh tế nên chỉ tiêu ngành này cao, cơ hội trúng tuyển khá lớn nên học sinh muốn nộp hồ sơ vào.

Chọn trường vừa sức

Đại diện nhiều trường THPT cho biết trung bình mỗi học sinh làm 2 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và việc chọn trường cũng khá đa dạng. Tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, đa phần học sinh tập trung vào các trường tốp trên như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Ngân hàng, ĐH Ngoại thương… Trong khi học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi lại tập trung nhiều vào Trường ĐH Sài Gòn sau đó mới đến ĐH Ngân hàng, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế, CĐ Kinh tế Đối ngoại… Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám thì tập trung nhiều hồ sơ vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sài Gòn…

Theo các chuyên gia tư vấn, học sinh đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn đối với những ngành, trường dự định sẽ học và sự cân nhắc đó xuất phát từ sở thích cá nhân, tố chất và khả năng học tập. Cùng một ngành kinh tế cụ thể nhưng với học sinh có học lực giỏi sẽ chọn những trường có điểm chuẩn tuyển sinh cao vì ở đó chất lượng đào tạo đã được khẳng định; học sinh có học lực trung bình hoặc khá thì chọn trường có điểm chuẩn tuyển sinh chỉ bằng điểm sàn.

Hồ sơ ít sai sót

Đại diện nhiều trường THPT cho biết việc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 có nhiều thay đổi so với năm 2011 nhưng tình trạng học sinh ghi sai rất ít. Được như vậy là nhờ các em đã được tư vấn, hướng dẫn kỹ càng trước khi làm hồ sơ. Tuy nhiên, theo phản ánh của lãnh đạo Trường THPT Tân Bình, có tình trạng mã ngành của một số trường mới được bổ sung nên không có trong chương trình nhập dữ liệu của Bộ GD-ĐT.