Thế giới lo siêu động đất

Một trận động đất 8 độ Richter dọc theo đứt gãy San Andreas dài 1.300 km có thể phá hủy 3,5 triệu ngôi nhà ở bang California – Mỹ

Thời gian gần đây, thế giới chứng kiến số lượng trận động đất mạnh xảy ra rộng khắp và với tần suất có phần dày đặc.

Mạnh và thường xuyên

Mới nhất là trận động đất mạnh 7 độ Richter ở ngoài khơi Thái Bình Dương, làm rung chuyển các nước Trung Mỹ ngày 24-11. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra cảnh báo sóng thần “nguy hiểm” cao chừng 3 m có thể xuất hiện trong vòng 300 km từ tâm chấn, dọc theo bờ biển của Nicaragua, El Salvador và Honduras.

Trước tình hình đó, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước do động đất và cơn bão mạnh Otto. Nhà chức trách El Salvador cũng kêu gọi cư dân sống trên bờ Thái Bình Dương di chuyển đến các vùng đất cao hơn để tránh mối đe dọa từ sóng thần, nếu có.

Trước đó 2 ngày, một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter làm rung chuyển khu vực phía Bắc Nhật Bản và gây ra sóng thần nhỏ. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), đợt sóng thần cao 1,4 m được ghi nhận ở phía Bắc TP Sendai, cách tỉnh Fukushima 70 km về phía Bắc, còn một số cơn sóng nhỏ hơn tràn các cảng dọc bờ biển địa phương này.

Trận động đất có tâm chấn ngoài khơi tỉnh Fukushima, khiến nhà máy điện hạt nhân tại địa phương ngừng hoạt động trong thời gian ngắn. Đây là khu vực từng hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần hồi năm 2011, khiến Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 bị hư hại, dẫn đến sự cố rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng.

Động đất 7,2 độ richter làm rung chuyển El Salvador, Nicaragua hôm 24-11Ảnh: AP
Động đất 7,2 độ richter làm rung chuyển El Salvador, Nicaragua hôm 24-11Ảnh: AP

Nỗi lo gia tăng

Cũng trong ngày 22-11, đảo Bắc của New Zealand bị rung chuyển bởi một trận động đất có cường độ ước tính từ 6,1 tới 6,3 độ Richter. Trận động đất này xảy ra chưa đầy 1 tuần sau khi trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển đảo Nam, khiến 2 người thiệt mạng và gây ra hàng ngàn dư chấn.

Việc New Zealand liên tiếp hứng động đất làm gia tăng nỗi lo điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Ngay từ sau trận động đất ngày 14-11, chuyên gia John Ristau thuộc Công ty Tư vấn và Nghiên cứu khoa học địa chất GNS Science (New Zealand) cho biết tính toán của họ cho thấy xác suất xảy ra trận động đất cường độ 7 Richter hoặc lớn hơn trong vòng 30 ngày tới là 32%.

Chuyên gia Kevin McCue của Trường ĐH Central Queensland cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra trận động đất mạnh tại nơi được gọi là đứt gãy Alpine ở New Zealand. Nếu xảy ra gián đoạn dọc theo đứt gãy Alpine dài 600 km này, nó sẽ gây ra một trong những trận động đất mạnh nhất ở New Zealand kể từ năm 1717, lần gián đoạn gần đây nhất của đứt gãy này.

Nỗi lo về siêu động đất cũng hiện hữu ở Mỹ. Theo phân tích mới nhất của Công ty Bất động sản CoreLogic, một trận động đất mạnh 8 độ Richter dọc theo đứt gãy San Andreas dài 1.300 km có thể phá hủy đến 3,5 triệu ngôi nhà ở bang California. Chi phí tái xây dựng sau động đất ước tính hơn 289 tỉ USD. Phần phía Nam đứt gãy San Andreas không gián đoạn kể từ năm 1680, theo ước tính của các nhà khoa học. Ngoài ra, một trận động đất mạnh được cho là có thể xảy ra tại khu vực này mỗi 150 hoặc 200 năm. Do đó, các chuyên gia lo ngại động đất mạnh không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra tại đó.

Chưa hết, một bài viết trên tạp chí The New Yorker (Mỹ) gần đây cảnh báo về nguy cơ động đất mạnh hơn 9 độ Richter trên đới hút chìm Cascadia – trải dài gần 1.000 km từ phía Bắc California đến đảo Vancouver của Canada. Một trận động đất mạnh như thế có thể giết chết hàng ngàn người và phá hủy hàng triệu tòa nhà… Siêu động đất còn có thể gây ra cơn sóng thần vô cùng lớn, nhiều khả năng quét sạch một vùng rộng lớn dọc theo bờ biển Tây Bắc nước Mỹ.

Theo NLĐ