Thế cân bằng mong manh trong đối sách của Mỹ với cuộc xung đột Nga – Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng duy trì sự cân bằng khi vừa tìm cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, vừa không kích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn với một đối thủ có vũ khí hạt nhân hoặc cắt đứt các con đường có thể giúp giảm leo thang.

Trong những tuần đầu tiên sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ chỉ gửi vũ khí chống tăng cho lực lượng Ukraine.

Mỹ cũng trang bị cho quân đội Ukraine máy bay không người lái (UAV) tấn công hạng nhẹ “kamikaze” nhưng không phải máy bay chiến đấu.

Nhà Trắng tuyên bố sẽ không để máy bay của Mỹ và NATO bay trên bầu trời Ukraine bởi giới chức Washington lo ngại làm như vậy có thể biến một cuộc chiến tranh khu vực thành một thảm họa toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa có thể hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt máy bay Nga.

Mỹ gửi vũ khí chống tăng cho Ukraine, chứ không phải máy bay chiến đâu. Ảnh: AFP
Mỹ gửi vũ khí chống tăng cho Ukraine, chứ không phải máy bay chiến đâu. Ảnh: AFP

Đó là sự cân bằng mong manh mà chính quyền Biden đã cố gắng duy trì khi vừa tìm cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga vừa không kích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn với một đối thủ có vũ khí hạt nhân hoặc cắt đứt các con đường có thể giúp giảm leo thang.

Việc cân bằng 2 hướng này đã dẫn đến một loạt các quyết định rối rắm và đôi khi gây ra sự khác biệt khi nói đến những hình thức hỗ trợ mà Washington sẽ cung cấp cho Ukraine, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Volodymyr Zelensky.Sự cân bằng đó có thể thấy trong mọi khía cạnh chính sách của Mỹ về cuộc chiến Nga-Ukraine, bao gồm phạm vi của các lệnh trừng phạt áp đặt lên nền kinh tế Nga, mức độ chi tiết của thông tin tình báo chiến trường được cung cấp cho quân đội Ukraine, mức độ sát thương của các hệ thống vũ khí được chuyển tới Ukraine.

Mỹ tính toán cân bằng trên nhiều mặt trận

Chiến dịch của Nga ở Ukraine hiện nay buộc Mỹ phải tính toán trên nhiều mặt trận. Có thể thấy rõ điều này khi các quan chức Mỹ đưa ra ý tưởng về việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-400. Ý tưởng này được đưa ra khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ 2 tuần trước.

S-400 là hệ thống phòng không do Nga sản xuất. Mỹ đã trừng phạt Thổ Nhĩ kỳ, một đồng minh NATO, vì mua hệ thống phòng không này cách đây vài năm.

Nếu ý tưởng nêu trên được thực hiện, đây là một cách để Mỹ kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi mối quan hệ với Nga – trong khi vẫn có thể cung cấp cho Ukraine một trong những hệ thống phòng không tầm xa uy lực nhất hiện nay.

Đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất cũng là nhằm thăm dò xem Nga có thể sẵn sàng chấp nhận những gì từ NATO. Mặt khác, điều này cũng để xem Thổ Nhĩ Kỳ – đồng minh NATO có mối quan hệ gần gũi với Nga những năm gần đây, có thể sẵn sàng khẳng định cam kết của mình với liên minh và ủng hộ Ukraine đến mức nào.

Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp S-400 cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp S-400 cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đề xuất này chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận. Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, Ankara lo ngại rằng việc cung cấp hệ thống phòng không cho Kiev có thể khiến nước này phải gánh cơn giận dữ của Nga.

Tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng có những cuộc tranh luận gay gắt về việc vũ khí sát thương nào cung cấp cho Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế. Một số quan chức Mỹ thừa nhận, đánh giá của các luật sư chính phủ chỉ có giá trị ở một mức độ nào đó và tất cả những gì thực sự quan trọng là cách nhìn nhận của Tổng thống Nga Putin.

Tranh cãi về máy bay chiến đấu

Ba Lan đề xuất chuyển máy bay MiG-29 do Nga sản xuất tới một căn cứ của Mỹ ở Đức để Washington chuyển cho Kiev. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối, cho rằng, động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga.

Trên thực tế, giới tình báo Mỹ cũng đánh giá rằng, việc cung cấp MiG-29 cho Ukraine có thể dẫn tới động thái đáp trả của Nga nhằm vào NATO. Trong một cuộc họp của Quốc hội Mỹ, các quan chức quân sự nhận định, vấn đề mấu chốt là một chiếc MiG-29 có thể đe dọa lãnh thổ Nga.

Nếu như tên lửa chống tăng Javelin chỉ có tầm bắn hạn chế trên chiến trường, MiG-29 có thể bay từ Kiev đến Moscow trong vài phút và đây là điều Điện Kremlin sẽ coi là mối đe dọa trực tiếp.

Mặt khác, để có thể chuyển giao MiG-29 cho Ukraine, các máy bay này sẽ phải cất cánh từ một căn cứ không quân ở một quốc gia NATO và điều này có thể khiến Nga trả đũa vào lãnh thổ NATO.

Mỹ bác đề xuất của Ba Lan về việc cung cấp MiG-29 cho Ukraine. Ảnh: EPA-EFE
Mỹ bác đề xuất của Ba Lan về việc cung cấp MiG-29 cho Ukraine. Ảnh: EPA-EFE

Trong khi đó, một số quan chức Mỹ khẳng định, về mặt luật pháp quốc tế, việc cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho quân đội Ukraine đã khiến Mỹ trở thành bên tham chiến. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý vẫn còn tranh cãi về lập luận này.

Máy bay có phi công có thể không được bàn đến nữa, nhưng máy bay không người lái có vũ trang thì ngược lại. Tuần trước, ông Biden thông báo Mỹ sẽ chuyển các máy bay không người lái Switchblade cỡ nhỏ cho Ukraine. Switchblade có thể được sử dụng để làm nổ tung xe bọc thép của Nga.

Máy bay không người lái “kamikaze” dùng một lần không đòi hỏi phải có đường băng dài hoặc đường truyền vệ tinh phức tạp; nó có thể được điều khiển từ xa để bổ nhào-ném bom xe tăng hoặc binh sỹ đối phương, tự hủy khi phát nổ.

Không giống như các máy bay không người lái Predator và Reaper cỡ lớn từng được sử dụng ở Iraq, Afghanistan, Pakistan và các quốc gia khác, máy bay không người lái nhỏ gọn như Switchblade không gây ra mối đe dọa nào đối với lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, Nhà Trắng mới chỉ cho phép chuyển lô hàng ban đầu với 100 chiếc Switchblade đến Ukraine – số lượng đủ nhỏ để thăm dò phản ứng của Nga. Tùy vào “câu trả lời” của Nga, Mỹ có thể chuyển thêm hàng trăm hoặc hàng nghìn UAV khác đến Ukraine.

Mỹ không muốn leo thang căng thẳng với Nga

Ngoài tên lửa chống tăng Javelin, Mỹ cũng cân nhắc cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger.

Cần phải nhắc lại rằng, Mỹ từng đưa tên lửa Stinger tới Afghanistan cuối những năm 1980 để đối phó với Liên Xô. Khi đó, Mỹ quyết định cung cấp Stinger cho phiến quân Afghanistan vì nhiều mục tiêu cùng một lúc – tước bỏ ưu thế của Không quân Liên Xô; thử nghiệm các loại vũ khí mới và các biến thể của nó trong điều kiện chiến trường. Tên lửa Stinger khi đó được đưa đến Afghanistan qua Pakistan. Sự xuất hiện của Stinger khi đó đã khiến không quân Liên Xô chịu tổn thất nặng nề.

Do lịch sử nhạy cảm với tên lửa Stinger, các quan chức Mỹ đã thận trọng, không thông tin rộng rãi việc cung cấp tên lửa này cho Ukraine.

Khi Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đến thăm một sân bay gần biên giới Ukraine, nơi tên lửa Stinger được dỡ xuống, các phóng viên đi cùng ông không được phép tiết lộ vị trí của căn cứ.

Ngay cả sau khi hai quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu trước Ủy ban quân vụ Hạ viện trong một cuộc điều trần công khai rằng, tên lửa Stinger nằm trong số vũ khí được gửi tới Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng cũng như Lầu Năm Góc đều tránh đề cập cụ thể loại vũ khí này trong các cuộc họp báo.

Phải đến giữa tuần vừa rồi, Nhà Trắng mới công bố danh sách chi tiết các loại vũ khí mà nước này cung cấp cho Ukraine trong gói hỗ trợ quân sự 800 triệu USD. Nằm trong top đầu danh sách là “hệ thống phòng không Stinger”./.

Nguồn vov.vn