Thảo luận nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) Khóa XIII, ngày 24-10, QH thảo luận nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Đây được đánh giá là một trong những đạo luật rất quan trọng, tầm mức ảnh hưởng rộng lớn. Từng khái niệm, từng chế định đều có tác động vào nền kinh tế và các quan hệ văn hóa, kinh tế, xã hội, đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày, liên quan cá nhân, công dân trong nước và cả đối tượng là công dân, nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

1

 Đại biểu QH tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Áp dụng tập quán, lẽ công bằng

Nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến những nội dung cụ thể về bảo vệ quyền dân sự (các điều 2, 5, 6 và 14 trong dự thảo BLDS sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) và một số đại biểu bày tỏ tán thành quy định về quyền dân sự thông qua Tòa án vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng nếu chưa có điều luật để áp dụng là trách nhiệm thuộc về Nhà nước, tranh chấp dân sự phát sinh phải được giải quyết. Nếu không, các bên tranh chấp sẽ tự giải quyết theo cách của mình, trong thực tế nhiều năm qua có thể từ tranh chấp dân sự chuyển sang thành vụ án hình sự.

Đề cập các quy định cho áp dụng tập quán tương tự pháp luật và lẽ công bằng, đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) cho rằng là phù hợp và “không trái với nguyên tắc mà một số người cho rằng trái với nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật”. Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển thì hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội. Vì vậy, đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình của Ủy ban TVQH nêu việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong BLDS là cần thiết.

Làm rõ tiêu chí phân loại pháp nhân

Những quy định về pháp nhân được đề cập trong Chương IV của Dự thảo BLDS sửa đổi lần này. Khoản 2 Điều 74 Dự thảo Chính phủ trình QH quy định tiêu chí về tài sản của pháp nhân: “Pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, trừ trường hợp điều lệ hoặc luật có quy định khác”. Ủy ban TVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, chỉnh lý lại quy định này theo hướng giữ như quy định của BLDS hiện hành. Tiêu chí của pháp nhân là phải “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” như được thể hiện tại điểm c khoản 2 Điều 74 dự thảo mới, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của quy định về pháp nhân.

Điều 75 và Điều 76 Dự thảo Bộ luật quy định hai loại pháp nhân cơ bản, đó là: Pháp nhân thương mại và Pháp nhân phi thương mại. Cùng với việc phân chia pháp nhân thành hai loại như vậy, dự thảo Bộ luật quy định một chương riêng (Chương V) về sự tham gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương vào các quan hệ dân sự. Đồng thời, Điều 97 Dự thảo BLDS xác định Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương là pháp nhân. Dự thảo luật quy định “Các pháp nhân do nhà nước CHXHCN Việt Nam thành lập không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự của Nhà nước, cũng như ngược lại Nhà nước không chịu trách nhiệm về các trách nhiệm dân sự của các pháp nhân do Nhà nước thành lập”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định này “có vẻ có lợi cho chúng ta nhưng mà cũng có thể có hại cho chúng ta”. Đại biểu phân tích thêm, khi chúng ta ký hợp đồng dân sự, nếu Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm thì người ta không được đụng chạm đến tài sản như tàu biển, máy bay… của các pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ngược lại, chúng ta cũng không được làm điều đó với các doanh nhân nước ngoài. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu các quy định như trên phù hợp với các công ước quốc tế không.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Tập trung phân tích nhiều nội dung trong Dự thảo BLDS sửa đổi, các đại biểu quan tâm cho ý kiến chung quanh việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133). Một số ý kiến tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 133 Dự thảo BLDS, theo đó “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy có nhiều cố gắng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng đối tượng, thiếu chính xác. Thậm chí có trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp, chưa được xác định của ai có quyền sở hữu. Từ đó gây ra nhiều phát sinh mâu thuẫn. Không ít trường hợp lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém, thiếu đồng bộ của cơ quan có thẩm quyền để gian dối, mua bán trá hình làm hồ sơ giả, hồ sơ không đúng để cấp giấy không đúng đối tượng. Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh quy định khi giải quyết các giao dịch này, Tòa án tùy từng trường hợp mà xem xét các hợp đồng dân sự khi có người thứ ba tham gia. Có như vậy mới bảo đảm được quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các bên trong giao dịch hợp đồng.

Tuy nhiên, đề cập quy định về giao dịch dân sự vô hiệu giả tạo được nêu tại khoản 2 Điều 124: “Trường hợp xác lập dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu nếu người thứ ba có yêu cầu”, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bỏ cụm từ “nếu người thứ ba có yêu cầu” ở cuối khoản để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trong trường hợp người thứ ba không biết giao dịch dân sự đó là giả tạo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình.

Việc quy định quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm và uy tín tại Điều 34 là rất tốt. Khi quy định thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín đăng trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng phương tiện thông tin đại chúng đó. Tuy nhiên, đề nghị ghi rõ “gỡ bỏ hoặc cải chính ở vị trí, với tính chất, mức độ tương xứng”…

Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

(TP Hồ Chí Minh)

Hội nhập kinh tế quốc tế với những cơ hội và thách thức đã tác động toàn diện mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến rất gần, đòi hỏi hệ thống pháp luật của chúng ta, nhất là pháp luật về kinh tế, pháp luật về dân sự cũng phải được thay đổi tạo cơ sở pháp lý để chúng ta tự tin và thành công trong hội nhập quốc tế.

Đại biểu TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH

(TP Hà Nội)

Đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề chuyển giới tính ở góc độ vừa là quyền con người theo Hiến pháp quy định, vừa là thực tiễn xã hội đang xảy ra. Đồng thời, Ban soạn thảo luật cần cung cấp thêm thông tin có bao nhiêu quốc gia đã công nhận việc chuyển giới và hệ quả của nó, để Quốc hội có cơ sở quyết định.

Đại biểu NGUYỄN TRUNG THU

(Long An)

Nhân Dân online