Thai Premier League: Vươn lên từ “vùng trũng”

Từ một giải đấu không được các cầu thủ ngôi sao Thái Lan xem là nơi “đất lành chim đậu” đành phải chuyển sang một miền đất hứa khác, mà chỉ trong 5 năm làm lại từ đầu, giải Thai Premier League đã lột xác với trị giá ước tính 3,5 tỷ baht (khoảng 2.000 tỷ đồng). Giải đấu xếp hạng 12 châu Á có lẽ là bệ phóng quan trọng và vững chắc cho các đội tuyển Thái Lan vươn tầm châu Á. 

U.23 Thái Lan trong lần đăng quang SEA Game 28 – 2015.  Ảnh: T.L

 Thời hoang tàn

Thai Premier League được thành lập từ năm 1996 nhưng đến sau năm 2009 mới thực sự bùng nổ. Trong giai đoạn 2003-2009, giải bóng đá cao nhất Thái Lan này không tìm được nhà tài trợ thương hiệu nào. Và cũng thật trùng hợp khi đội tuyển quốc gia Thái Lan cũng không còn vị thế thống trị khu vực Đông Nam Á trong thời điểm này. Đó là khi “Zico Thái” Kiatisuk Senamuang gia nhập CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2001 với một bản hợp đồng “khủng” với cách thuyết phục tài tình của bầu Đức. Và thành công của HAGL đã kéo theo làn sóng tuyển thủ Thái đến V.League như Tawan Sripan, Dusit Chalermsan, Datsakorn Thonglao,… càng khiến Thai Premier League biến thành một phiên “chợ chiều”. Nhà tài trợ giải đấu không có, các CLB cũng nằm trong tình trạng tương tự, khán giả không hứng thú đến sân xem các đội thi đấu, cầu thủ đá ở Thái nhưng luôn mong ngóng vào một môi trường béo bở hơn.

Có lẽ trận thua đội tuyển Việt Nam 1-2 trên Sân vận động quốc gia Rajamangala và mất ngôi vương Đông Nam Á tại AFF Cup 2008 là một “cái tát đau” vào niềm kiêu hãnh của bóng đá Thái Lan. Tình thế này buộc người Thái phải thay đổi và có một người âm thầm chuẩn bị cho chiến lược dài hơi với mục tiêu không chỉ vực dậy bóng đá Thái Lan mà còn vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á.

Người tiên phong

Đang giữ vai trò Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) nhưng doanh nhân thành đạt Ong-Arj Kosinkar “từ quan”. Một quyết định có thể nói gây sửng sốt trong giới bóng đá Thái Lan cũng như Chủ tịch FAT Worawi Makudi. Không phải thanh minh hay giải thích gì nhiều, cứ tự thân vận động bằng nguồn kinh phí cá nhân cùng với mối quan hệ sẵn có từ trước với Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), ông Ong-Arj Kosinkar đích thân đi học tập cách vận hành của Giải đấu Ngoại hạng Anh (EPL), mối quan hệ giữa EPL và FA cũng như EPL và các CLB trong giải đấu. Nguyên Tổng thư ký FAT còn đến trao đổi với các CLB bóng đá nổi tiếng như Manchester United, Chelsea, Arsenal, Liverpool,… để tìm cách thức kinh doanh và điều hành của từng CLB theo những điều kiện khác nhau.

Khi về nước, qua hàng loạt hội thảo chuyên đề liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan với sự tham dự của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, Tổng cục Thể thao Thái Lan, FAT cùng đại diện của các CLB bóng đá ở giải Thai Premier League và League One, nền bóng đá Thái Lan bắt đầu có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ. Sân bóng đá của các đội SCG Muangthong United, Buriram, Bangkok Glass trở thành những sân chuyên biệt dành cho bóng đá; trong đó, nổi bật nhất là New I-Mobile, sân nhà của đội Buriram được khởi công năm 2010, nằm trong một khu giải trí thể thao phức hợp, có đường đua ô tô có thể tổ chức đua xe Thể thức 1 (F1) và cụm khách sạn, sân tập bóng đá và một số môn thể thao khác.
Điều quan trọng nhất là, khi được sự đồng thuận của FAT và các CLB bóng đá Thái Lan, cũng như được tiến cử làm Chủ tịch Công ty Thai Premier League, đơn vị điều hành giải đấu cao nhất Thái Lan, ông Ong-Arj Kosinkar đã liên hệ với lãnh đạo EPL để nhượng quyền cách thức tổ chức giải đấu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vận hành giải đấu “2.000 tỷ đồng”

Sân đẹp và chuyên dụng cho bóng đá, chất lượng của các trận đấu được nâng cao rõ rệt, khán giả được tạo điều kiện thuận lợi về giờ giấc theo dõi, truyền hình được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình của giải EPL, là những yếu tố giúp các dòng tiền khủng dần chảy về Ban tổ chức giải đấu Thai Premier League cũng như các CLB. Bắt đầu từ 35 triệu baht/năm (khoảng 22 tỷ đồng/năm) do Sponsor tài trợ vào năm 2010 đến 100 triệu baht/năm (khoảng 65 tỷ đồng/năm) do Toyota tài trợ vào thời điểm hiện tại cho thấy giải đấu Thai Premier League đang phát triển nhanh so với các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực. Kinh khủng hơn, tập đoàn truyền thông True vừa ký với FAT trị giá bản quyền truyền hình 1.050 triệu baht/năm (khoảng 680 tỷ đồng/năm) giai đoạn 2017- 2020 để đảm bảo việc phát sóng trực tiếp 306 trận đấu TPL, 306 trận đấu League One, 114 trận đấu League Cup và 85 trận đấu FA Cup.

Được đảm bảo về hình ảnh quảng bá, việc thu hút các nhà tài trợ cho các CLB không phải là chuyện khó. Trên áo đấu cũng như áo tập của những CLB đang dẫn đầu TPL có khoảng 7-8 nhà tài trợ lớn nhỏ. Các nhà tài trợ cũng không chấp nhận “nằm im” trên áo cầu thủ hay trên các bảng quảng cáo ở sân đấu. Họ tranh thủ từng cơ hội tiếp cận, quảng bá và chăm sóc khách hàng mục tiêu cũng như khách hàng tiềm năng của mình khiến khán giả đến sân đấu thưởng thức Thai Premier League luôn có suy nghĩ là “được ăn, được nói, được gói đem về”.

Trước trận đấu khoảng 2 giờ, hàng ngàn cổ động viên đã đến khuôn viên sân tham gia các hoạt động quảng bá hay trò chơi mà các nhà tài trợ cung cấp cho các cổ động viên ruột. Thậm chí, tại khu vực sân đấu của đội bóng SCG Muangthong United, vốn nằm trong một khu triển lãm lớn nhất Thái Lan, cả gia đình có thể đến đó từ sáng sớm để hưởng thụ cuối tuần bằng các hoạt động mua sắm, xem phim, ăn uống rồi mới đến sân cùng cổ vũ đội nhà. CĐV có thể ghé vào các quầy hàng lưu niệm của đội bóng để chọn những chiếc áo cầu thủ mà mình yêu mến, hay mua thêm các đồ lưu niệm, khăn choàng nhằm trang trí cho bản thân và phô diễn sức mạnh cùng các CĐV khác.

Với những chiếc vé vào sân đấu, các CĐV còn có thêm cơ hội rút thăm trúng những phần quà có giá trị như xe 2 bánh gắn máy, ô tô của nhà tài trợ. Cuối trận đấu là phần hấp dẫn nhất đối với các CĐV trung thành khi cầu thủ với nụ cười tươi nở trên khuôn mặt, luôn dành ra thời gian giao lưu, ký tên và chụp hình chung với người hâm mộ mặc dù vừa trải qua hơn 90 phút thi đấu căng thẳng.

Lượng khán giả đến sân trung bình của nhóm 6 CLB mạnh nhất Thai Premier League khoảng 12.000 người/trận và đông nhất gần 35.000 người (cổ vũ đội Nakhon Ratchasima). Đó cũng là lượng khách hàng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đội bóng bằng việc mua áo đấu, đồ lưu niệm. Theo thống kê của Thai Premier League, một mùa giải, mỗi đội bán được khoảng 3 triệu áo đấu và vật lưu niệm- một nguồn thu không nhỏ trên con đường thực hiện bóng đá chuyên nghiệp ở Thái Lan.

Ước mơ World Cup của người Thái

Tuy không có một quy định chính thức nào về việc các CLB thuộc giải đấu Thai Premier League phải chơi theo lối chơi “Thai Tik Tok” của đội tuyển Thái Lan, nhưng hơn 80% số ngoại binh ở nhóm CLB đóng góp cầu thủ nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia là SCG Muangthong United, Buriram United, BEC Tero Sasana, Chonburi FC hay Police United đều có lối chơi kỹ thuật chứ không dùng sức và chạy nhanh.

Là một giải đấu mà các CLB tham gia đều đóng góp cổ phần nên Công ty Thai Premier League luôn phải khách quan và cân bằng được lịch thi đấu của giải Thai Premier League với các đội tuyển quốc gia Thái Lan. Bên cạnh quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) về việc trả quân trước các trận đấu quốc tế, đội tuyển hay FAT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi muốn thay đổi lịch thi đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp này dù với mục đích hỗ trợ đội tuyển. Tuy nhiên, vào trận đấu giữa Thái Lan và Iraq trên sân Rajamangala, sau cuộc họp căng thẳng hơn 3 giờ giữa FAT, Thai Premier League, đội tuyển và các CLB, đội tuyển Thái Lan đã có thêm 10 ngày chuẩn bị và đạt được một kết quả thuận lợi với đội vô địch Cúp châu Á năm 2007.

Các chủ doanh nghiệp lớn của Thái Lan xem việc đầu tư vào các đội bóng lớn ở châu Âu là cầu nối để hiện thực hóa ước mơ của bóng đá Thái Lan. Khởi nguồn từ việc ông Thaksin Shinawatra, nguyên Thủ tướng Thái Lan, trở thành Chủ tịch CLB Manchester City, đến hiện nay là Bee Taechaubol, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính và đầu tư địa ốc ở Thái Lan, đang nắm hơn 50% cổ phần CLB AC Milan. Đó là một yếu tố rất quan trọng giúp các cầu thủ Thái tiếp cận dần trình độ bóng đá châu Âu. Ông Vichai Srivaddhanaprabha, chủ Tập đoàn Siêu thị miễn thuế King Power, chủ CLB Leicester City, Anh, vừa ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, Kiatisak Senamuang, trong 3 năm với mục tiêu tạo cơ hội cho các cầu thủ tiềm năng của Thái Lan có điều kiện tập luyện cũng như “thử việc” tại một CLB bóng đá đang nằm ở tốp trên của Giải Ngoại hạng Anh.

Việc một cầu thủ mới hơn 15 tuổi của đội Chiangrai United ghi bàn vào lưới đội bóng SCG Muangthong United tại vòng đấu vừa qua cộng thêm yêu cầu bắt buộc mỗi đội bóng ở giải hạng Nhì Thái Lan phải sử dụng tối thiểu 3 cầu thủ U.19 trong đội hình, đã thể hiện quyết tâm nâng tầm bóng đá Thái Lan bằng một thế hệ cầu thủ trẻ mới, từng bước đeo đuổi nhiệm vụ “World Cup không phải là giấc mơ” của người Thái. 

Nguồn SGGP