Thái-lan tuyên bố phát triển thành công kháng thể điều trị Ebola

Ngày 2-10, tại trường ĐH Mahidol (Thái-lan), các nhà khoa học của Bệnh viện Siriraj thuộc trường ĐH này đã tổ chức buổi họp báo tuyên bố họ đã phát triển thành công “cách điều trị bằng kháng thể” đầu tiên trên thế giới có thể chữa khỏi bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola.

 Thái-lan tuyên bố phát triển thành công kháng thể điều trị Ebola

Tại buổi họp báo, các nhà khoa học của bệnh viện Siriraj cho biết họ đã sử dụng các gene virus Ebola nhân tạo để phát triển loại kháng thể của mình và thử nghiệm chúng trên các mẫu virus sốt xuất huyết tương tự chứ không phải trên các chủng virus Ebola.

Tiến sĩ Udom Kachinthorn, Trưởng khoa Khoa học Y tế tại Siriraj cho biết loại kháng thể chống Ebola mới của nhóm nghiên cứu đủ nhỏ để xâm nhập vào các tế bào bị nhiễm virus và tiếp cận các protein virus bên trong các tế bào. Ông cũng nói rằng loại kháng thể chống virus Ebola của Thái-lan nhỏ hơn năm lần so với các loại khác đang được thử nghiệm ở Mỹ. Thêm vào đó, nó có cấu trúc và cơ chế khác biệt so với các loại kháng thể khác giúp điều trị các ca nhiễm virus Ebola hữu hiệu hơn.

Các thành viên nhóm nghiên cứu cũng tuyên bố rằng loại kháng thể của họ không phải là vaccine phòng bệnh mà là một phương thức chữa bệnh bằng kháng thể. Tiến sĩ Wanpen Chaicumpa, trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định loại kháng thể của họ có thể để chữa trị được các bệnh nhân đã bị nhiễm virus bằng cách tiêm vào cơ thể người bệnh.

Bước tiếp theo, các bác sĩ của bệnh viện Siriraj sẽ tiến hành thí nghiệm loại kháng thể này trên động vật trước khi tiến tới thử nghiệm trên người. Nếu các thử nghiệm thành công, loại kháng thể này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt, mặc dù tiến sĩ Udom cho rằng có thể phải mất ít nhất một năm nữa.

Trên thế giới hiện chưa có phương thuốc nào có thể điều trị hữu hiệu các ca nhiễm virus Ebola. Đại dịch Ebola đang bùng phát tại các nước Tây Phi và đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Nếu phương pháp điều trị của các nhà khoa học Thái-lan vượt qua được các thử nghiệm và chứng tỏ được khả năng của nó, đây sẽ là một bước đột phá lớn.

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan của các thành viên nhóm nghiên cứu, tại buổi họp báo, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra đối với nhóm nghiên cứu. Do Ebola là một họ bao gồm nhiều chủng virus gây ra các cơn sốt suất huyết, nên một phương pháp chữa bệnh bằng kháng thể dành cho một loại virus sốt suất huyết chưa chắc đã có hiệu quả chống lại một virus Ebola, chứ chưa nói tới mọi chủng virus Ebola khác nhau.

Hiện nay, Thái-lan không có phòng thí nghiệm nào đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm loại kháng thể của họ trên chính các virus Ebola. Các bác sĩ của bệnh viện Siriraj cũng thừa nhận họ chưa liên hệ với WHO để thông báo về phương thức chữa bệnh về kháng thể của mình.

Cho tới nay, cùng với hãng GlaxoSmithKline của Anh, một số hãng dược phẩm khác cũng đang bắt đầu hay có kế hoạch tiến hành thử nghiệm các vaccine chống Ebola mà họ đã phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, họ đang dự kiến sẽ phân phối ít nhất 1.500 liều vaccine thử nghiệm cho các nhân viên đang chiến đấu chống lại căn bệnh này ở châu Phi.