Tên gọi khác của ngày Tết Trung thu

Người Việt sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ Tết Trung thu, mỗi cái tên đều gắn với những ý nghĩa biểu tượng của ngày này.

 Rằm tháng 8 Âm lịch – Tết Trung thu là một trong những ngày được trẻ em mong đợi nhất trong năm và cũng là ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt. Có nhiều tên gọi khác của Tết Trung thu ở Việt Nam và mỗi cái tên cho chúng ta thấy một khía cạnh ý nghĩa của ngày lễ này đối với đời sống tinh thần của người dân.
Những tên gọi khác của Tết Trung thu

Trung thu có nghĩa là giữa mùa thu. Rằm tháng 8 Âm lịch chính là thời điểm này. Chữ “Tết” trong cụm từ “Tết” Trung thu cho thấy đây là một ngày lễ rất quan trọng, bên cạnh những cái tết khác như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên (rằm tháng 7).

Những tên gọi khác của Tết Trung thu bao gồm:

– Tết trông trăng: Cái tên này phản ánh hoạt động quan trọng của người Việt trong dịp Tết Trung thu từ xưa xưa. Vào đêm rằm tháng Tám, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ gồm các thức quà mùa thu như cốm, quả hồng, quả bưởi, bánh nướng, bánh dẻo… và mọi người trong gia đình cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng. Ngoài người thân trong gia đình, mọi người cũng có thể dùng thưởng thức đêm rằm với bạn hữu, xóm giềng. Mùa thu tiết trời dịu mát, dễ chịu, nên việc ngắm trăng rằm là một thú vui tao nhã tuyệt vời.

 – Tết đoàn viên: Việc quây quần bên mâm cỗ trông trăng giúp mọi người trong gia đình thêm gắn bó, yêu thương. Vì vậy nhiều người đi xa cố gắng về nhà trong dịp này để đoàn tụ. Tết Trung thu vì vậy cũng được gọi là Tết đoàn viên.

– Tết Thiếu nhi: Trẻ em là đối tượng được ưu tiên nhiều nhất trong ngày Tết Trung thu. Đây là ngày mà con trẻ được tặng rất nhiều loại đồ chơi, được tham gia nhiều trò vui như rước đèn, xem múa sư tử, được ăn nhiều loại bánh trái ngon lành… Ngày rằm tháng 8 Âm lịch vì vậy còn được gọi là Tết thiếu nhi, Tết của trẻ em.

ten goi khac cua ngay tet trung thu hinh anh 1
          Những tên gọi khác của ngày Tết Trung thu: Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên, Tết trông trăng. (Ảnh: Đắc Huy)

Ngoài Việt Nam, những nước nào đón Tết Trung thu?

Nhật Bản

 Tết Trung thu được người Nhật gọi là Tsukimi hay Otsukimi, có nghĩa là ngắm trăng. Truyền thống này có ở Nhật Bản từ 1.000 năm trước với việc tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn vẹn nhất.

Vào dịp Tsukimi, người dân mặc trang phục truyền thống và mang đồ cúng đến đền thờ. Ở nhà, họ bày cây cỏ lau, biểu tượng của sự may mắn và hạnh phúc. Mọi người ăn bánh gạo tsukimi dango, khoai môn, uống trà và ngắm trăng.

Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm, nhưng vẫn tổ chức Trung thu trọng thể. Bánh gạo nếp được bày thành mâm lớn trước thềm nhà, mọi người vừa thong thả ngắm trăng vừa chuyện trò, ăn uống. Trẻ em tham gia lễ hội rước đèn lồng cá chép.

Trung Quốc

Người Trung Quốc thường uống rượu và ngắm trăng vào ngày lễ này. Nhiều người viết những lời chúc tốt đẹp lên đèn lồng cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, hôn nhân, tình yêu, học hành… Ở một số vùng quê, người dân thắp những chiếc đèn lồng thả bay lên trời, hoặc thả đèn trôi sông, mong những lời cầu nguyện thành hiện thực.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Trung Quốc là bánh nướng hình tròn tượng trưng cho sự vẹn tròn, viên mãn.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tết Trung thu được gọi là Chuseok (nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng đẹp nhất năm), kéo dài 3 ngày (từ 14/8 đến 16/8 âm lịch). Đây là dịp người dân trở về quê hương để sum họp gia đình, thực hiện các hoạt động cúng bái, tảo mộ, tạ ơn tổ tiên và cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

ten goi khac cua ngay tet trung thu hinh anh 2
     Ngày Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok, biểu tượng cho sự thịnh vượng. (Ảnh: Pinterest)

Món bánh của người Hàn cho dịp này có tên là Songpyeon, có hình vầng trăng khuyết hoặc bán nguyệt. Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, màu sắc đa dạng và đẹp mắt. Ngoài món này, người dân còn ăn thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và uống rượu sindoju.

Singapore

Ở Singapore, Tết Trung Thu còn được gọi là Lễ hội lồng đèn hoặc Lễ hội bánh Trung thu. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Phố phường được giăng đèn lồng và trang trí bằng các biểu tượng của ngày hội.

Đối với người dân quốc đảo sư tử, Trung thu là thời điểm thích hợp để giao lưu thân tình, gửi lời cảm ơn và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè, đối tác kinh doanh.

Singapore là một đất nước du lịch nổi tiếng, người dân địa phương không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thu hút du khách trong dịp lễ này. Họ trang trí đường Orchard – thiên đường mua sắm, bờ sông, khu phố Tàu, Vườn Trung Hoa và nhiều địa điểm khác để chào đón khách du lịch trên toàn thế giới.

Quảng trường Sengkang được coi là một trong những nơi tổ chức Trung Thu nhộn nhịp nhất. Mọi người tập trung đông đủ để trải nghiệm các trò chơi thú vị. Và đây cũng là dịp để cộng đồng người Hoa tại Singapore thể hiện góc văn hóa giàu có và đa dạng của mình tại khu Chinatown.

Ngoài những đất nước kể trên, Tết Trung thu cũng là nét văn hóa truyền thống của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Triều Tiên… với rất nhiều hoạt động đa dạng và màu sắc riêng.

Nguồn vov.vn