Tạm biệt pháo hoa: Thông điệp hợp lòng dân

Khi nào đời sống của người dân tốt hơn, việc bắn pháo hoa trở lại chắc chắn sẽ được đồng thuận và hân hoan đón chờ

Nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục thông báo không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết để dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách. Hà Nội để dành số tiền 12 tỷ đồng huy động từ nguồn xã hội hóa chuẩn bị cho màn pháo hoa đêm Giao thừa ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Lần lượt đến TP.HCM, TP.Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi… cũng thông báo không bắn pháo hoa, dành tiền để chăm cho Tết cho người nghèo, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt…

Tạm biệt pháo hoa: Thông điệp hợp lòng dân - ảnh 1Khi nào đời sống của người dân tốt hơn, việc bắn pháo hoa trở lại chắc chắn sẽ được đồng thuận và hân hoan đón chờ

Chỉ thị số 11- CT/TƯ của Ban bí thư Trung ương Đảng đưa ra vào những ngày cuối năm đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm, bàn luận và trao đổi không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà cả trên mạng xã hội, trong lúc trà dư tửu hậu. Nội dung được nhắc đến nhiều đó là việc chỉ thị yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết để dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình khó khăn, chính sách.

Điều đáng chú ý nhất đó là Chỉ thị này ra đời sau khi một loạt tỉnh/thành phố công bố đón Tết Đinh Dậu sẽ chi hàng tỷ đồng bắn pháo hoa. Đơn cử như Thủ đô Hà Nội đã công bố huy động được cả chục tỷ đồng xã hội hóa để tổ chức bắn pháo hoa cả ở tầm cao và tầm thấp ở 30 điểm vào thời khắc giao thừa. Hay như TP. Đà Nẵng cũng đã lên kế bắn pháo hoa vào dịp Tết dương lịch (nhân kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương) và 4 điểm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Còn TP.HCM như thông lệ đã có chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đón chào năm mới 2017…

Và theo thông lệ, vào đêm Giao thừa, người dân, đặc biệt là cư dân ở các đô thị rất chờ đợi để được ngắm những màn pháo hoa đầy sắc màu…

Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội những ngày qua có nhiều ý kiến ủng hộ việc làm thiết thực này. Nhưng cũng có ý kiến trái chiều khi cho rằng không tiết kiệm được nhiều từ việc dừng bắn pháo hoa và người dân cũng cần những món ăn tinh thần. Tất nhiên đứng trước một vấn đề luôn có rất nhiều luồng quan điểm ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, hãy xem yêu cầu đó ra đời trong bối cảnh như thế nào? Đó là tình hình kinh tế- xã hội đất nước vẫn còn khó khăn. Năm hết, Tết đến nhưng người dân nhiều tỉnh miền Trung vẫn đang gượng dậy sau lũ dữ, nhặt nhạnh, phơi phóng từng manh quần, tấm áo, chút sách vở trong khi cơ quan dự báo vẫn tiếp tục phát đi những cảnh báo vẫn đang còn những đợt lũ chực chờ đe dọa cuộc sống của họ.

Chỉ thị của Ban bí thư, sự đồng tình của các địa phương được dư luận hoan nghênh vì sự hợp lý, hợp tình. Dư luận hoan nghênh vì đây là một thông điệp, một quyết định đi thẳng vào thực chất đời sống, tránh phô trương, hình thức. Nếu so với những dự án kém hiệu quả, phải đắp chiếu lên đến hàng nghìn tỷ, hay số tiền mà Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng… làm thất thoát thì số tiền tiết kiệm được từ việc bắn pháo hoa chẳng đáng là bao nhưng điều đáng nói đó là thông điệp, là thái độ đối với căn bệnh hình thức vốn đã bám rễ sâu ở nước ta, đặc biệt là trong các buổi lễ kỷ niệm, hội hè…  Không thể trong mươi, mười lăm phút các tỉnh bắn lên trời hàng chục tỷ đồng, trong khi còn bao nhiêu gia đình không có Tết. Niềm vui sướng, những tiếng à, ồ trong 15 phút kia có đáng giá so với hàng triệu đồng bào vùng lũ vẫn đang lo thắt ruột thắt gan về cái ăn, cái mặc, về mái nhà che nắng che mưa sau ngày lũ rút.

Và cũng chắc chắn một điều, có hay không có pháo hoa với nông thôn miền núi không quan trọng. Điều quan trọng là bớt được tiền pháo hoa và bớt những khoản phung phí khác mới là quan trọng .

Ban bí thư Trung ương Đảng chính thức yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa bằng một chỉ thị. Một thông điệp, một quyết tâm chính trị chống lại bệnh phù phiếm vào một hoàn cảnh cụ thể đang nhiều khó khăn trong đời sống xã hội đã được phát đi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói, lãnh đạo TƯ xuống địa phương cần đơn giản, lãnh đạo địa phương không phải ra tận địa giới tỉnh để chào đón, bắt tay. Và rằng “cuộc sống cần giản dị để gần dân hơn”. Đảng và Chính phủ đã khẳng định.

Dư luận kỳ vọng thông điệp này được hiện thực hóa. Và không chỉ riêng dịp Tết, Việc chú trọng tới dân sinh, tạo ra một môi trường giáo dục, môi trường lao động… tốt hơn để đời sống người dân bớt khó khăn và sống hạnh phúc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, Nhà nước. Khi nào đời sống của người dân tốt hơn, việc bắn pháo hoa trở lại chắc chắn sẽ được người dân đồng thuận và hân hoan đón chờ./.

Nguồn Tổ quốc