Rừng Tây Nguyên trước nguy cơ cháy

Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Cái nắng gay gắt và thời tiết hanh khô đẩy những cánh rừng ở khu vực Tây Nguyên đứng trước nguy cơ cháy rừng rất cao. Mặc dù công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng đã được các cơ quan chức năng triển khai, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Đốt nương rẫy là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 152.000ha rừng có nguy cơ cháy cao với hơn 127 trọng điểm cháy. Trong đó, diện tích rừng có chủ là 77 vùng, còn lại diện tích rừng khác do cấp xã quản lý. Mùa khô năm 2013, tỉnh này đã xảy ra 4 vụ cháy rừng lớn, gây thiệt hại 411ha rừng trồng tại huyện Chư Pah, chưa kể một số vụ cháy lướt diện tích rừng trồng ở một số địa phương khác. Còn tỉnh Kon Tum hiện có 40.000ha rừng trồng dễ cháy, trong khi công tác phòng, chống cháy rừng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong năm 2013, rừng ở Kon Tum bị “bà hỏa” viếng thăm 7 lần, làm cháy gần 11ha rừng. Gần đây nhất, vào ngày 28-2-2014, rừng thông tại Tiểu khu 482 thuộc thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện vùng cao Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã bốc cháy ngùn ngụt. Khi đám cháy đang xảy ra, lực lượng chữa cháy sử dụng dụng cụ thô sơ và phương pháp thủ công nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, 7ha rừng thông bị thiêu rụi hoàn toàn.

Hiện nay, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang bước vào cao điểm của mùa khô 2014, người dân đang “ùn ùn” phát nương đốt rẫy, nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi đang ở mức cao nhất. Tại khu vực TP Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon Rẫy và vùng Nam Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), dự báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và vùng Đông Bắc Đăk Glei ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Trong khi đó, ở tỉnh Gia Lai, nhiều vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy rừng cao như tại lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Ia Ly (huyện Chư Pah); xã Ia Púch (huyện biên giới Chư Prông). Các huyện Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang, Đăk Pơ, TP Pleiku… rừng cũng đang đứng trước “báo động đỏ”, chỉ một bất cẩn nhỏ của người dân trong việc sử dụng lửa, cũng gây ra thảm họa cháy rừng.

Do đó, việc bảo vệ an toàn, không để xảy ra cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm lúc này tại các tỉnh vùng Bắc Tây Nguyên, bởi rừng được xem là tài nguyên lớn của các tỉnh này. Cụ thể, từ vụ cháy rừng tại huyện Chư Pah vào cuối năm 2013, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn cho Ban Chỉ huy PCCC rừng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng phương án chữa cháy rừng mùa khô 2014. Cụ thể hóa chỉ đạo này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã có đề cương hướng dẫn chi tiết cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCCC rừng các địa phương tham mưu cho Ban Chỉ huy PCCC rừng xây dựng phương án chữa cháy rừng cấp mình quản lý theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng – phương tiện – chỉ huy – hậu cần) nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời tình trạng cháy rừng trong mùa khô. Đặc biệt, nhờ nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, đến nay các chủ rừng đã xây dựng thêm hệ thống đường ranh cản lửa. Song, kết quả thực hiện vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế, nhất là diện tích rừng trồng đã qua giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Mặc dù các địa phương đã thực hiện một số biện pháp PCCC rừng, nhưng trong thực tế, hiệu quả chưa cao. Trong đó, trách nhiệm của một số chủ rừng còn hạn chế; một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến quản lý, bảo vệ rừng; chưa chủ động phối hợp với đơn vị chức năng; Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng về bảo vệ rừng và PCCC rừng chưa được coi trọng, nên vẫn phổ biến tình trạng đốt rẫy, nguyên nhân gây cháy rừng. Khi xảy ra cháy, do địa hình phức tạp, dốc cao, hiểm trở rất khó để đưa các phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường, chưa kể nguồn kinh phí PCCC rừng hạn hẹp dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng chữa cháy còn thiếu, đa số là phương tiện thô sơ như: cuốc, xẻng, bình bơm nước, cành cây… nên hiệu quả chữa cháy không cao.

Nguồn SGGP