Quý I: Hơn 25.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Xuất khẩu lao động năm 2015 tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi quý I đã có hơn 25.000 người đã đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trong quý I, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 25.766 lao động (7.733 lao động nữ) đạt 27,12% kế hoạch năm 2015.

Năm 2014, xuất khẩu lao động đã đạt kỷ lục khi đưa hơn 107.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong quý I năm 2015, xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục có những dấu hiệu tích cực khi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục tăng thêm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2015 là 8.560 lao động (2.573 lao động nữ). Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 5.953 lao động, Nhật Bản 1.618 lao động, Hàn Quốc: 262 lao động…

Trong quý I, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với hơn 16.800 người, chiếm hơn 65% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan làm việc.

Việc triển khai thực hiện Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có tác động tích cực, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan giảm mạnh. Điều này được Bộ Lao động Đài Loan và các cơ quan liên quan phía Đài Loan đánh giá cao.

Gần đây, các cơ quan chức năng của hai bên đã và đang thảo luận để thống nhất hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan, trong đó sẽ tiếp tục đưa các loại hình lao động đã tạm dừng trước đây như đánh bắt cá, giúp việc gia đình. Khả năng lao động Việt Nam các ngành nghề trên tiếp tục sang Đài Loan làm việc sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, có thu nhập khá hơn so với làm việc trong nước, từ đó cải thiện đời sống của người lao động.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2015, song song với việc duy trì phát triển các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… để đạt chỉ tiêu về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, những đơn hàng đưa lao động có trình độ như điều dưỡng viên, kỹ sư… sẽ được chú trọng mở rộng.

Nguồn Chính phủ