Quốc hội tiến hành phiên chất vấn “chưa từng có tiền lệ“

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (16-18/11), được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Do là kỳ họp gần cuối khoá XIII, hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 10 được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề. Đây cũng là phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ. Bởi từ trước tới nay, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng nay (16/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ, có 9 Nghị quyết đặt ra các yêu cầu của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Quản lý Nhà nước còn liên quan đến cả Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Mục đích của phiên họp toàn thể này là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện thế nào, tốt chưa, qua đấy thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương thiết thực phục vụ yêu cầu của đồng bào, cử tri chưa.

Qua chất vấn cũng xem còn những gì tồn tại mà đất nước, bộ máy Nhà nước sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Qua đánh giá của Quốc hội cũng sẽ rút ra được hoạt động giám sát và chất vấn của Quốc hội làm như vậy đã tốt chưa.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chất vấn đi thẳng vào vấn đề để cùng thảo luận, giải quyết những vấn đề nêu ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

truc tiep: quoc hoi tien hanh phien chat van "chua tung co tien le" hinh 0
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phiên họp được đồng bào, cử tri theo dõi và giám sát; cảm ơn cơ quan thông tấn báo chí, từ các phiên họp trước đã thông tin tới nhân dân cả nước để qua đó đồng bào, cử tri ủng hộ và có đánh giá hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

“Mục đích không phải làm căng thẳng vấn đề mà nhìn thẳng sự thật để giải quyết vấn đề cho tốt; để cử tri thấy được hoạt động này rất thiết thực, đem lại kết quả nhìn thấy rõ. Đây là phiên họp được đồng bào, cử tri chờ đợi, là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Sau thời gian trình bày các báo cáo, việc thảo luận và chất vấn về các nội dung liên quan được tiến hành kết hợp, không theo nhóm vấn đề.

Làm rõ trách nhiệm và giải pháp

Nội dung chất vấn, theo đề nghị của Ban Thư ký kỳ họp, tập trung vào kết quả thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại các kỳ họp.

Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đặt ra; biện pháp, giải pháp, thời hạn thực hiện các nội dung chưa đạt được và những vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về phần thảo luận, theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, các ý kiến tập trung đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND  Tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp.

Những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới; sự cần thiết của hoạt động giám sát sau khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới cũng là những nội dung mà các đại biểu cần quan tâm thảo luận./.

VOV.VN