Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Sáng 20-11, với 411 đại biểu tán thành, chiếm 83,2% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

 Với 411 đại biểu tán thành trên tổng số 413 đại biểu tham gia, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Với 411 đại biểu tán thành trên tổng số 413 đại biểu tham gia, Quốc hội đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được Quốc hội thông qua gồm 10 Chương và 91 Điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Luật quy định, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; thực hiện kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có liên quan chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký văn bản. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký văn bản.

Hội đồng Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng Nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là bangày kể từ ngày ký văn bản; Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Hội đồng Nhân dân cấp xã) có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng Nhân dân cấp huyện chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký văn bản.

Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân cùng cấp chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký văn bản. Đối với quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Theo quy định của Luật, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có trách nhiệm trực tiếp báo cáo, trình bày những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu; trường hợp không thể trực tiếp báo cáo, trình bày được thì ủy quyền cho cấp phó của mình. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị, yêu cầu của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan.

Luật cũng quy định, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát là được thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát, nội dung được yêu cầu báo cáo, trả lời về vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát; giải trình, bảo vệ tính đúng đắn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến nghị quyết, kết luận, kiến nghị của chủ thể giám sát; đề nghị chủ thể giám sát xem xét lại yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp không tán thành với yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân xem xét, kết luận về các yêu cầu, kết luận, kiến nghị đó.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Nguồn Nhân dân