Quốc hội thảo luận Luật tổ chức Chính quyền địa phương

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 1/6 Quốc hội sẽ thảo luận Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Buổi sáng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến. Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban pháp luật đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này; đồng thời, giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị văn bản tham gia ý kiến với Ban cán sự đảng Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu, chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính như sau:

Thứ nhất, về tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn, Ủy ban tiếp tục báo cáo 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương.

Phương án 1: quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Ủy ban pháp luật cho rằng việc tổ chức chính quyền địa phương theo Phương án này có những ưu điểm, hạn chế như sau:

Trước hết về ưu điểm: (1) bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; (2) thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc; (3) đáp ứng được yêu cầu phải có sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân các cấp; bảo đảm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải được giám sát bởi cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra; (4) việc tổ chức cấp chính quyền (gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) ở các đơn vị hành chính cơ sở thể hiện chính quyền đó gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; (5) sự khác biệt trong quản lý nhà nước ở nông thôn, đô thị, hải đảo được thể hiện rõ ở nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương nên dù mô hình tổ chức giống nhau vẫn có thể điều chỉnh các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp.

Về hạn chế: (1) chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI; (2) không thấy được sự khác biệt về mô hình tổ chức giữa các đơn vị hành chính có đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa tiếp thu được các kết quả tích cực của việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, huyện, phường theo Nghị quyết của Quốc hội; (3) nếu không làm rõ được những điểm khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị, hải đảo thì sẽ dễ dẫn đến sự đồng nhất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính.   

Phương án 2: quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường

Với phương án không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thì cách thức thành lập Ủy ban nhân dân phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án như sau:

Phương án thứ nhất: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Phương án thứ hai: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án này có những ưu điểm, hạn chế như sau: Về ưu điểm: (1) việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 2 sẽ tạo nên sự đổi mới bước đầu trong tổ chức chính quyền địa phương; (2) tạo điều kiện cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đô thị một cách hiệu quả và phù hợp hơn; (3) thể hiện rõ hơn sự khác nhau về mô hình tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn đô thị và nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn; (4) tại địa bàn đô thị, trách nhiệm chính tập trung vào chính quyền cấp thành phố trực thuộc trung ương và quận để có thể xử lý, giải quyết một cách tổng thể, thống nhất các vấn đề của đô thị; (5) kế thừa một phần những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội trong 6 năm qua.

Về hạn chế: (1) nguy cơ dẫn đến tình trạng chính quyền xa dân, quan liêu ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân; (2) chưa thấy rõ cơ chế kiểm soát hoạt động của chính quyền phường cũng như trách nhiệm của chính quyền cấp trên đối với chính quyền phường; (3) việc quy định người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường (theo phương án thứ nhất của phương án 2) tuy là một chủ trương đổi mới nhưng cũng cần cân nhắc thêm về trình tự, thủ tục bầu Chủ tịch và phê chuẩn của cấp trên cũng như cơ chế để người dân kiểm soát, giám sát người được bầu; (4) sử dụng tên gọi Ủy ban nhân dân cho cơ quan hành chính ở phường dễ gây nhầm lẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế tổ chức với Ủy ban nhân dân ở những nơi có tổ chức Hội đồng nhân dân và sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp trong cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật khác (cả hiện hành lẫn các văn bản sẽ được ban hành sắp tới).

Ủy ban pháp luật cho biết, hiện tại, đa số các ý kiến tán thành với phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này.

Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính hải đảo, dự thảo Luật quy định tại đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo, tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện tại hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã cũng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Thứ ba, về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế – đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng thành viên Ủy ban nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.

Nguồn Chính phủ