Quê mình bông súng, mắm kho

Đất miệt vườn, dòng Cửu Long vun bồi phù sa, không khó để tìm một ao sen, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là sen hồng Đồng Tháp. Từ đời sống dân dã thường ngày, các bộ phận của cây sen từ ngó sen, củ sen đến hạt sen, lá sen đều có cách để chế biến.

Quê mình bông súng, mắm kho

Hình dáng cũng tương tự như sen nhưng bông súng quen gắn liền với câu “bông súng, mắm kho”. Bông súng miệt vườn không ai dùng để chưng, cúng hay ướp trà, trang trí bánh trái như hoa sen. Loài cây thủy sinh này dễ mọc. Sinh ra vốn dĩ đã quê mùa, ao nước ngọt, nước lợ bông súng đều có thể vươn mình. Tính ứng dụng rặt chất nhà quê, nào là trộn gỏi, làm rau ghém chấm nước thịt, cá kho, canh chua bông súng, bông súng mắm kho… Người miền quê thiệt thà chỉ có vậy, nhưng vẫn làm say lòng biết bao người.

Miền Tây không mưa dầm như xứ Huế hay mưa phùn như xứ lạnh Đà Lạt, hai mùa mưa nắng rõ rệt. Những cơn mưa chiều rả rích đến gần sáng, bữa cơm nhà nóng hổi, nồi mắm kho thơm lừng, cọng bông súng rửa sạch, lột vỏ rồi ngắt thành từng khúc, chấm cùng nồi mắm đủ vị mặn, ngọt, bùi, cay nồng… Cái vị đậm đà đúng điệu miệt vườn, không cao lương mỹ vị mà trở thành đặc sản trong lòng người lúc nào không hay.

Bông súng quê nhà chỉ có vậy mà đi vào lòng người, đi vào nỗi nhớ, vào cả thơ ca. Đi ruộng về, tiện tay nhổ mớ bông súng xách về nấu canh chua, chấm mắm kho hoặc làm gỏi, cái vị chua chua ngọt ngọt, cọng bông súng vừa giòn vừa xốp đủ để đưa cơm… Bông súng thường màu hồng hoặc đậm gần tím, hầu như không có giá trị với đám con nít, có khi còn bị bỏ lăn lốc ngoài hiên, vứt ngoài vườn cho đám gà tha hồ mổ. Nhưng khi vào tay các mẹ, các chị thì quả nhiên cây bông súng đã được nâng tầm giá trị lên rất nhiều, bằng chứng rõ nhất là món ăn nào cũng ngon, hao cơm, món nhắm nào cũng bén, cũng tốn rượu; mà bông súng mắm kho là một điển hình.

Nhiều năm nay, nhờ mạng xã hội, món quê lên phố ngày càng nhiều, nhiều cây rau miệt vườn trở thành đặc sản bán theo mùa, không kịp chốt đơn thì coi như mất phần. Bông súng quê nhà cũng trở thành đặc sản nơi thành thị. Bông súng mắm kho, canh chua bông súng nghiễm nhiên bước vào nhà hàng với cách chế biến, bày trí cầu kỳ hơn một chút, nhưng vị ngon không đổi. Người khó tính hơn, có lẽ sẽ thấy thiếu vắng cái vị mộc mạc, bởi nồi mắm kho xưa nay còn quyện mùi khói bếp củi, còn hơi ấm thương yêu của ngoại, của má mà chẳng có nhà hàng nào thay thế được.

Bông súng lớn lên từ nước sông quê, ôm trọn hai mùa mưa nắng nên cũng lắng đọng những nỗi niềm như câu chuyện cuộc đời. Mỗi bận gian truân, người ta thường lấy hoa sen để làm động lực, bởi vươn mình trong đất bùn, sen vẫn vươn lên, thuần khiết hương sắc. Cây bông súng quê nhà cũng thế, chẳng đáng bao tiền nhưng mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người nhà quê. Cây bông súng trồng một lần ăn hoài hoài, có khi tự mọc, người ăn không hết có thể đem ra chợ bán, ai xịn hơn thì lập hẳn một fanpage trên mạng xã hội để bán, để tặng coi như mang một chút nghĩa tình, quà quê lên phố.

Đời ngược xuôi, ai chẳng đôi lần gian nan, cực nhọc, những phút yếu lòng về bên hiên nhà, ăn bữa cơm bông súng mắm kho hay nồi canh chua bông súng chợt thấy lòng thảnh thơi, tự tại. Hay một buổi theo tía ra đồng, tiện đường có ao súng, thế nào buổi cơm chiều má cũng tất bật làm món mắm kho. Để rồi cái dư vị mặn mà, cọng bông súng dung dị cứ mãi vương vấn theo từng bước chân người trên hành trình cuộc đời. Ai cũng có một miền quê, miền ký ức để nhớ về là vậy.

Nguồn SGGP